Giải pháp cho hai vấn đề môi trường
Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 18/07/2017
Về lĩnh vực này, Sở Xây dựng cho rằng, hiện nay TP Hà Nội đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, thành phố sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) công suất 270.000m3/ngày đêm. Đồng thời kêu gọi xã hội hóa thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Phú Đô (Nam Từ Liêm) công suất 84.000m3/ngày đêm; Nhà máy Xử lý nước thải Phúc Đồng công suất 55.000m3/ngày đêm, Nhà máy Xử lý nước thải An Lạc công suất 53.000m3/ngày đêm (Long Biên); Nhà máy Xử lý nước thải Dương Nội (Hà Đông)… Ngoài ra, nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải tại 2 xã Vĩnh Quỳnh, Đại Áng (Thanh Trì).
Để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, UBND thành phố đã có Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020, thành phố sẽ rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai đồng bộ, trong đó xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Cũng từ nay đến năm 2020, UBND thành phố sẽ rà soát, phân loại 80 làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đề xuất danh sách làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, có phương án xử lý kịp thời.
Bên cạnh những chủ trương đã có, nhằm giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường làng nghề, sớm có nhiều nhà máy xử lý nước thải thì rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân; lựa chọn công nghệ tiên tiến và xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hấp dẫn các nhà đầu tư. Bước quan trọng tiếp theo là cần sự kiểm tra sát sao của các cơ quan quản lý nhà nước và sự giám sát tích cực của người dân trong quá trình triển khai các dự án...