Để người dân thấy rõ lợi ích
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:52, 19/07/2017
Mục đích tốt đẹp khi chuyển đổi hợp tác xã kiểu mới là trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau, nhằm hướng tới lợi ích cho thành viên thông qua đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, xã hội. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, vì không ít lý do, nhiều đơn vị dù đã mang trong mình mô hình mới nhưng vẫn không thoát được “cái bóng” cũ. Nói cách khác, sự chuyển đổi mới chỉ dừng ở “thay tên đổi họ”, còn mục đích tốt đẹp là mang đến lợi ích cho thành viên thì chưa rõ nét hoặc làm chưa tốt.
Nguyên nhân được chỉ ra là do các địa phương và bản thân hợp tác xã lúng túng trong quá trình chuyển đổi và chưa định hình rõ dịch vụ hoạt động sau chuyển đổi, đặc biệt với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Thể hiện rõ nhất là đa số các đơn vị chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh - yếu tố được coi có tính chất quyết định đến việc hợp tác xã “sống khỏe” hay không.
Một thực tế nữa không thể không nói đến đó là nhiều người dân, thậm chí một số cán bộ, đảng viên còn tâm lý mặc cảm với mô hình cũ, dẫn đến không mặn mà và hiểu chưa đúng hoặc chưa thấy hết bản chất, vị trí, vai trò, nguyên tắc hoạt động của loại hình mới. Nhiều người chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa mô hình kiểu mới với kiểu cũ, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp…
Bản chất của hợp tác xã kiểu mới là làm thay đổi căn bản về quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế, quan hệ phân phối và mức vốn góp tối đa đối với các thành viên khi tham gia. Vì vậy, để đạt hiệu quả như mong muốn thì phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức và song hành với đó là quyết tâm hành động.
Cụ thể hơn, các ngành, địa phương và người dân cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, đối tượng cần quan tâm nhất là người dân và đội ngũ cán bộ hợp tác xã. Muốn vậy, phải đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tập huấn về Luật Hợp tác xã, làm sao để người dân biết rõ lợi ích thiết thực của mô hình kiểu mới; người cán bộ thấy được vai trò, trách nhiệm trong xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động.
Bên cạnh đó, cần quan tâm phổ biến, nhân rộng mô hình kiểu mới đã hoạt động thành công. Về việc này, các ngành chức năng và địa phương cần tổng kết, rút kinh nghiệm và xây dựng giải pháp trên cơ sở bám sát thế mạnh từng nơi, từng đơn vị để đề ra định hướng phát triển dịch vụ phù hợp. Một giải pháp có thể áp dụng là hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép với chính sách triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới để thành lập một số mô hình điểm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, chuyên ngành…
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã về vốn, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường... Đồng thời, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn việc chuyển đổi, thành lập mới hợp tác xã theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện và bám sát thực tiễn.
Một mô hình mới bảo đảm hiệu quả, người dân thấy rõ lợi ích, thì lúc đó tự khắc thu hút được nhiều thành viên, hợp tác xã vì thế cũng sẽ mạnh lên.