Ấm áp tình thân (tiếp theo và hết)

Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 19/07/2017

(HNM) - Chiến tranh đã kết thúc, song nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn chưa dứt. Không chỉ những người trực tiếp tham gia chiến đấu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, mà thế hệ con, cháu họ cũng bị chất độc hủy diệt này “đeo bám”.

(HNM) - Chiến tranh đã kết thúc, song nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn chưa dứt. Không chỉ những người trực tiếp tham gia chiến đấu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, mà thế hệ con, cháu họ cũng bị chất độc hủy diệt này “đeo bám”.

Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội (Trung tâm), có trụ sở tại xã Yên Bài (Ba Vì) đã được thành lập theo Quyết định số 6882/QĐ-UBND và số 6883/QĐ-UBND ngày 14-12-2015 của UBND TP Hà Nội. Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm trở thành “ngôi nhà chung” của nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Hướng dẫn học nghề ở Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội.


Đến Trung tâm và chứng kiến những số phận kém may mắn, chúng tôi phần nào hiểu được nỗi đau dai dẳng do chiến tranh gây ra. Luyện Văn Chung (sinh năm 1985) đến từ Khu tập thể bộ đội 872, xã Dương Hà (Gia Lâm) là một trong những thành viên trẻ nhất nhưng bị ảnh hưởng nặng nhất. Chung mất hoàn toàn khả năng nhận thức, lúc ngây ngô như đứa trẻ, khi lại phá phách. Em thường xuyên đập đầu vào bất cứ thứ gì nhìn thấy. Để em được an toàn, Trung tâm bố trí cho Chung được ở một mình trong căn phòng rộng rãi, thoáng mát, có điều hòa, quạt trần, đèn sưởi, trang trí hình ngộ nghĩnh, sân chơi liền kề, đồng thời phân công cán bộ quan sát em 24/24 giờ.

Cạnh phòng Luyện Văn Chung là phòng của Nguyễn Văn Quỳnh, đến từ xã Bình Phú (Thạch Thất) và Nguyễn Quang Dũng đến từ xã Bình Xuyên (Gia Lâm). Dũng sống đời sống gần như thực vật, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào những người xung quanh. Còn Quỳnh bị teo tứ chi, thức hay ngủ đều trong trạng thái ngồi gập người...

Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quang Sáng cho biết, trong tổng số 56 nạn nhân (29 nam, 27 nữ) từ 24 đến 51 tuổi đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị tại đây có tới 38/56 người không đủ khả năng tự phục vụ, 43/56 người mắc bệnh tâm thần không thể làm chủ được hành vi… Với những nạn nhân không đủ khả năng diễn đạt, đội ngũ cán bộ Trung tâm phải quan sát sự biểu đạt để nắm bắt nhu cầu của từng người. “Hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với nạn nhân, chúng tôi dần hiểu được nhu cầu, mong muốn của từng người để chăm sóc, phục vụ”, nhân viên Phòng Nuôi dưỡng chăm sóc và Phục hồi chức năng Trần Thị Tâm chia sẻ.

Với những nạn nhân có thể nhận biết, Trung tâm đã triển khai các hoạt động giáo dục, hướng dẫn kỹ năng sống, hỗ trợ tâm lý, định hướng nghề và tổ chức dạy nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu của từng người. Sau thời gian học nghề, chị Đặng Thị Lan, đến từ xã Thượng Vực (Chương Mỹ) đã biết đan len, biết vẽ những gì chị thích. Chị Lan cho biết, ở Trung tâm có nhiều bạn, có “thầy giáo, cô giáo” (cán bộ, nhân viên Trung tâm - PV), được học, tập thể dục, vui chơi nên thích hơn ở nhà. “Thầy, cô đừng cho em về nhé. Em muốn ở lại đây”, chị Lan nhắn nhủ.

Để "ngôi nhà chung" ngày càng hoàn thiện...

Mong muốn được chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, học nghề… là nguyện vọng chính đáng của các thành viên trong “ngôi nhà” dành cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin cũng như hàng nghìn nạn nhân đang được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng. Tiếc rằng, cơ sở vật chất và bộ máy tổ chức của Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội - vốn được chuyển đổi từ Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần; chưa thực hiện được chức năng tẩy độc cho cựu chiến binh và con của cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Phó Giám đốc Trung tâm Tô Văn Thật cho hay, 43/56 nạn nhân của Trung tâm đang điều trị bằng thuốc tâm thần theo chỉ định của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, nhưng Trung tâm chưa có bác sĩ chuyên khoa về tâm thần. Để khắc phục, Trung tâm đã và đang phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thực hiện khám, điều trị cho bệnh nhân, bảo đảm mọi bệnh nhân đều được chăm sóc, điều trị kịp thời, song về lâu dài, Trung tâm cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan, đơn vị chức năng để hoàn thiện đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa về tâm thần.

Chuẩn bị cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tẩy độc, Trung tâm đã cử cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các cơ quan, đơn vị có mô hình tẩy độc; phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng quy trình tẩy độc theo các quy định hiện hành. Đội ngũ cán bộ của Trung tâm cũng được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành chứng chỉ hành nghề y dược… “Trung tâm đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tẩy độc cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trung tâm mong muốn các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, sớm phê duyệt đề án cải tạo hoặc nâng cấp cơ sở vật chất để Trung tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”, Phó Giám đốc Trung tâm Tô Văn Thật kiến nghị.

Khi cơ sở vật chất hoàn thiện, Trung tâm sẽ thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị thường xuyên nạn nhân chất độc dacam/dioxin và tẩy độc cho những người bị ảnh hưởng. Qua đó có thể khẳng định, các chính sách, giải pháp chăm sóc người có công của TP Hà Nội ngày càng hoàn thiện, đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng...

Và những câu chuyện cảm động, ấm áp tình thân tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc người có công còn ăm ắp mãi.

Minh Ngọc