Phải rõ hơn vai trò điều hành
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:52, 21/07/2017
Đó là việc nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của toàn bộ nền hành chính, các địa phương; thực hiện khai báo thuế qua mạng; thông quan điện tử… đã góp phần rút ngắn đáng kể quãng thời gian hàng hóa từ các nhà máy đến với người tiêu dùng thế giới.
Và để “cán đích” giá trị xuất khẩu đạt 188-190 tỷ USD trong năm 2017 như mục tiêu của Bộ Công Thương, tạo tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo cần phải có sự điều chỉnh hoạt động của toàn bộ nền kinh tế ở cả tầm vĩ mô và vi mô.
Trước hết, cần nhanh chóng có kế hoạch thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng của các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đó là các loại hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao như: Linh kiện điện tử, gia công phần mềm… vốn đang là ưu thế của nước ta. Đối với nhóm hàng có nguồn gốc từ nông, lâm, thủy sản, cần nhanh chóng chuyển từ xuất khẩu dạng nguyên liệu thô hoặc sơ chế sang các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Trên cơ sở đó là định hướng xuất khẩu, không nên “dồn cục” vào một thị trường nào đó, bởi nếu “sức khỏe” của bạn hàng trục trặc ngay lập tức sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng.
Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo các thủ tục thuận lợi cho doanh nghiệp được vay vốn từ chính sách hỗ trợ lãi suất để phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt đối với những ngành hàng chủ lực là thủy sản, gạo, cà phê, dệt may, da giày, sản phẩm gỗ… Ngân hàng Nhà nước cần giữ ổn định tỷ giá trên thị trường ngoại tệ, giảm lãi suất cho vay để kích cầu và thúc đẩy sản xuất.
Bộ Công Thương, các địa phương và hiệp hội ngành hàng cần đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu như: Cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với đối tác, cảnh báo biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước (chống bán phá giá, chống trợ cấp)… Tuyên truyền tới các doanh nghiệp nhằm tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, có hiệu lực và chuẩn bị có hiệu lực.
Tiếp đến là phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, định hướng phục vụ cho những nhóm ngành hàng công nghiệp chủ lực đã được coi là chiến lược phát triển quốc gia thời gian tới. Đây là một điều kiện quan trọng để giảm mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho gia công xuất khẩu. Xem xét giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách hành chính và dần chủ động tiếp cận với những thành tựu do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển khoa học, công nghệ để làm chủ công nghệ từ đó giảm công nghệ nguồn của nước ngoài.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2017, từ nay đến cuối năm giá trị xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế cần phải đạt ít nhất 15 tỷ USD/tháng. Đây là con số được dự báo là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể lần đầu tiên tổng kim ngạch đạt 200 tỷ USD. Nhưng muốn tăng được giá trị xuất khẩu cần phải sử dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất của toàn bộ nền kinh tế. Công cuộc này cần phải được làm bài bản, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.