Giết mổ nhỏ lẻ vẫn khó kiểm soát
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 21/07/2017
Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công đang rất khó kiểm soát. |
Cơ sở được kiểm soát vẫn thấp
Theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.075 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp nhưng 3 cơ sở hoạt động cầm chừng hoặc đã ngừng hoạt động; 116 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được kiểm soát, số còn lại nằm trong khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường...
Tại huyện Thạch Thất hiện có 195 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư nhưng chỉ có 3 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; 15 cơ sở được cấp giấy xác nhận kiến thức trong giết mổ lợn, gia cầm và 1 cơ sở đang đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Còn lại các cơ sở giết mổ hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn; đa số các điểm giết mổ không được phép hoạt động, chưa được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát theo quy định...
Bộ NN&PTNT cho biết, trên cả nước hiện đã có 56 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án về quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung. Theo đó, có 1.431 cơ sở giết mổ lợn và 75 cơ sở giết mổ gà tập trung. Tuy nhiên trong số này mới chỉ có 249 cơ sở giết mổ lợn và 75 cơ sở giết mổ gà hoạt động. Cả nước có tới 29.545 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nhưng chỉ có 30% cơ sở được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát giết mổ.
Cần chính sách đặc thù
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Nguyên nhân nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công vẫn tồn tại do sự vào cuộc của chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt, chưa chú trọng triển khai quy hoạch giết mổ và chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm; năng lực cán bộ quản lý an toàn thực phẩm ở cấp xã yếu và thiếu...
Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ cũng chưa đồng bộ, hiệu quả. Tại Hà Nội, nhiều điểm giết mổ đã được quy hoạch nhưng chưa kêu gọi được nhà đầu tư, bố trí quỹ đất xây dựng, các thủ tục triển khai dự án rườm rà, phức tạp, tốn kém thời gian... Ở một góc nhìn khác, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Nhận thức, thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp nuôi dưỡng cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ những năm qua.
Để tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý giết mổ, tiến tới kiểm soát từ 80 đến 90% các sản phẩm động vật tiêu thụ trên địa bàn, TP Hà Nội đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp. Sở NN&PTNT đang phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 7 huyện, thị xã xin điều chỉnh quy hoạch giết mổ tập trung. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Sở sẽ tập trung quản lý, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, tiến tới buộc các cơ sở giết mổ đầu tư trang thiết bị, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực tế, không ít doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư cho giết mổ tập trung hiện đại nhưng lại rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng do không cạnh tranh được với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Muốn hóa giải, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Ngoài chính sách chung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thì các tỉnh, thành phố cần có chính sách đặc thù, thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm vệ sinh thú y; tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, có thói quen sử dụng sản phẩm động vật rõ nguồn gốc, xuất phát từ cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát...