Chặng đường nhiều thách thức
Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 22/07/2017
EU và Anh vừa kết thúc vòng đàm phán thứ hai về Brexit. |
Tại vòng đàm phán này, quan chức hai bên đã tập trung nghiên cứu chủ đề về duy trì một đường biên giới “mềm” tại Ireland sau Brexit và bảo đảm quyền của các công dân Châu Âu sinh sống ở Anh. Vấn đề thanh toán tài chính cho EU và giải quyết những cam kết của Anh đến nay vẫn là một trong những điểm gây bất đồng trong các cuộc thương lượng. Trước đó, Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit David Davis từng khẳng định, Anh sẽ không trả khoản tiền lên tới 100 tỷ euro (tương đương 112 tỷ USD) để rời EU sau khi Liên minh kiên quyết đòi khoản bồi thường này. Trong khi đó, đại diện của EU đã ra tối hậu thư rằng, chỉ khi có các "tiến bộ đầy đủ" về những vấn đề này, mới bắt đầu chuyển sang thảo luận các vấn đề thương mại. Vậy nên, trong vòng đàm phán thứ hai, các nhà chức trách Anh cho biết chính phủ của họ lần đầu tiên thừa nhận bằng văn bản rằng họ sẽ trả tiền cho EU. Quan điểm mới nhất của Chính phủ Anh là cố gắng thuyết phục các nhà đàm phán EU rằng Anh cam kết tôn trọng các nguyên tắc về giải quyết tài chính nhưng không đưa ra lời hứa cụ thể. Theo nhận định của các nhà phân tích, phía Anh đang muốn kéo dài thời gian trong vấn đề thanh toán tài chính và sẽ không đưa ra bất kỳ cam kết ràng buộc nào cho đến khi ký thỏa thuận tổng thể về Brexit.
Nhiều chuyên gia cho rằng, EU hiện đang có nhiều lợi thế so với Anh nên có thể dẫn dắt quá trình đàm phán. Vì thế, đàm phán càng đi vào thực chất thì khó khăn của Anh càng tăng, lúc đó rất cần thiện chí cũng như sự nhượng bộ từ EU. Thủ tướng Anh Theresa May chỉ có trong tay chính phủ thiểu số, nội bộ đảng cầm quyền không thống nhất và sự ủng hộ của dân chúng cho Brexit suy giảm, tức là áp lực đạt được kết quả đàm phán với Liên minh Châu Âu đang tăng lên đối với Chính phủ Anh cũng như bà T.May. Việc Chính phủ Anh lần đầu tiên lộ ý định công nhận nghĩa vụ tài chính đối với EU là bằng chứng cho thấy sự yếu thế của nước này.
Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ hai, Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier kêu gọi Anh cần nêu rõ quan điểm về các vấn đề chủ chốt, như số tiền phải trả khi Anh rời "mái nhà chung", các quyền lợi của công dân EU tại Anh sau Brexit và vấn đề biên giới với Ireland. Theo ông, hiện tồn tại một "sự khác biệt căn bản" với Anh về việc liệu sau thời điểm Anh rời khỏi EU, Tòa án Tối cao của EU có thể duy trì quyền tài phán đối với 3 triệu công dân EU đang sống tại Anh hay không. Về phần mình, Bộ trưởng Brexit D.Davis cho biết cuộc đàm phán vừa qua "rất thiết thực và mang tính xây dựng tuy còn nhiều điều chưa được đề cập đến".
Các cuộc đàm phán về việc Anh rời EU chính thức được khởi động từ ngày 19-6. Hai bên đã nhất trí về các vấn đề ưu tiên, lịch trình và cách thức tổ chức đàm phán. Theo đó, các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức 1 lần/ tháng, mục tiêu đặt ra là đến mùa thu năm nay, hai bên sẽ chuyển sang giai đoạn đàm phán về các nội dung liên quan đến quan hệ thương mại trong tương lai giữa EU với Anh. Các nhà đàm phán cũng đang nỗ lực để có thể đạt được một thỏa thuận từ nay đến cuối năm 2018. Nếu mọi việc suôn sẻ, Nghị viện Châu Âu sẽ phê chuẩn văn bản này trước khi nước Anh chính thức rời khỏi khối vào tháng 3-2019. Tuy nhiên, để có cuộc “chia tay” cuối cùng theo nguyện vọng của người dân Anh, thì EU và Anh cần hợp tác và đưa ra những nhượng bộ nhất định.