Không thể chủ quan với “giặc lửa”!
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 22/07/2017
Nhiều nhà, căn hộ bịt kín bởi lồng sắt khiến hoạt động cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi xảy ra hỏa hoạn. |
"Lời" cảnh báo đau lòng
Chỉ trong 6 ngày của trung tuần tháng 7, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra hai vụ cháy nhà dân gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đầu tiên là vụ cháy nhà tại đường Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) xảy ra rạng sáng 13-7, khiến cả gia đình gồm 2 vợ chồng, 2 người con tử vong. Sau đó, rạng sáng 19-7, một vụ cháy nữa xảy ra tại phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) khiến cụ bà 80 tuổi và người con gái thiệt mạng.
Nguyên nhân gây cháy đang được lực lượng chức năng điều tra. Tuy nhiên, trong cả hai vụ, nạn nhân tử vong đều do ngạt khói vì không thể thoát được ra ngoài. Hai ngôi nhà trên đều là nhà ống, kết cấu bê tông cốt thép, chỉ có một cửa ra vào duy nhất; lối thoát hiểm lại bị khóa kỹ để chống trộm. Tại hiện trường vụ cháy số nhà 48, ngõ 41 phố Vọng, phóng viên nhận thấy: Cả 3 tầng trên của ngôi nhà được bao bọc lồng sắt rất kiên cố. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chữa cháy, giải cứu người bị nạn gặp rất nhiều khó khăn. Các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải mất thời gian dùng cưa sắt để phá lồng sắt mới có thể đưa người ra ngoài. Chưa kể, nơi xảy cháy nằm sâu trong ngõ nhỏ, xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường.
Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 500 nghìn nhà ống và 95 khu dân cư có nguy cơ về cháy nổ. Trong đó, có trên 120 nghìn nhà có kết hợp kinh doanh. Hầu hết các ngôi nhà ống đều thiếu hệ thống báo cháy hay bình cứu hỏa, có kết cấu giống 2 ngôi nhà bị cháy nêu trên, khiến người bị nạn khó thoát khỏi đám cháy nếu xảy ra... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 210 vụ, chiếm gần 47% tổng số vụ cháy.
Nguy cơ mất an toàn cháy, nổ tại khu dân cư đang hiện hữu. Tuy nhiên, rất nhiều người còn thiếu kiến thức về phòng cháy, cũng như kỹ năng thoát hiểm. Anh Phạm Trung Dũng (31 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm) cho biết, ngôi nhà anh đang thuê ở cũng có kết cấu giống các ngôi nhà bị cháy gần đây. “Khi chúng tôi hỏi vấn đề thoát hiểm, chủ nhà nói chống trộm là ưu tiên, chứ cháy thì còn lâu mới xảy ra” - anh Dũng nói.
Về nguy cơ cháy, nổ tại địa bàn dân cư, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) Hoàng Mạnh Dũng thông tin, phường đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm, nhưng rất ít người dân chủ động tham gia. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 2 cũng đánh giá: “Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy, các hộ dân chưa thực sự để tâm việc trang bị thiết bị cảnh báo và phương tiện chữa cháy tại nhà. Phương án thoát hiểm hầu như không được các gia đình quan tâm”.
Rõ ràng, nếu người dân vẫn thờ ơ trước thông điệp đau lòng từ những vụ cháy liên tục nêu trên, “giặc lửa” còn hoành hành.
Hộ dân phải có phương án thoát hiểm
Thực trạng nhà ống bị bịt kín, thiếu lối thoát hiểm, thiếu thiết bị chữa cháy... là nguy cơ tiềm ẩn khi xảy ra sự cố. Tại buổi làm việc với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu đơn vị xây dựng đề án, phương án phòng cháy, chữa cháy ở các khu dân cư, tổ dân phố. Điều quan trọng hơn, mỗi gia đình phải xây dựng phương án tự thoát hiểm khi có sự cố. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ năng về phòng, chữa cháy, đối phó với thảm họa cho người dân cần được đổi mới, cụ thể hơn...
Thực tế cũng cho thấy, để ngăn ngừa, đối phó với “giặc lửa”, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, mỗi người dân đều cần có ý thức tự bảo vệ.
Nhấn mạnh về tâm lý chủ quan, xem nhẹ việc phòng cháy, chữa cháy của người dân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị trong thời gian tới xem xét, xử lý những người dân vi phạm, thiếu ý thức trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho rằng, cần kiểm tra chất lượng, kiện toàn lực lượng chữa cháy tại chỗ bởi nhiều trường hợp đã xử lý không hiệu quả trong thời điểm cháy ban đầu, khiến thiệt hại càng trở nên nghiêm trọng.
Từ góc độ cơ quan chuyên môn, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đề nghị: Trước mắt, cần vận động người dân đầu tư hệ thống báo cháy và bình chữa cháy tại nhà. Hiện nay, người dân có thể tìm mua trên thị trường nhiều hệ thống báo cháy đơn giản, giá thành phù hợp, lắp đặt dễ dàng. Ngoài ra, cần có quy định tối thiểu về trang thiết bị chữa cháy tại nhà. Hơn nữa, chính quyền địa phương cần kết hợp với các đơn vị phòng cháy và chữa cháy thường xuyên mở lớp tập huấn kĩ năng thoát hiểm cho người dân.
“Chúng tôi thực hiện phân công, phân cấp rõ địa bàn, cơ sở cho từng lãnh đạo, chỉ huy đến chiến sĩ, quy trách nhiệm của từng cá nhân nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản” - Đại tá Nguyễn Văn Sơn nêu rõ.
Lưu ý các kỹ năng thoát hiểm Nhiều người dân khi thoát nạn đều thừa nhận lúc đó chỉ biết lấy vội một số tài sản quan trọng và chạy. Đa số không biết các kỹ năng cơ bản như: Bình tĩnh tìm cách thoát khỏi hoặc tránh xa các địa điểm có thể gây nổ (bình gas, tủ lạnh, máy lạnh); lấy khăn ướt chụp vào mũi, chạy ra ban công, nằm sát xuống sàn nhà... để lấy ô xy hoặc khi không thoát được ra ngoài, cần tìm vị trí mà lửa, khói chưa lan đến để lánh nạn; dùng chăn ướt, băng dính... bịt kín các khe cửa để tránh khói độc tràn vào trong khi chờ được giải cứu. |