Hàng loạt sai phạm tài chính
Tài chính - Ngày đăng : 06:56, 22/07/2017
Quản lý xe công, quá nhiều sai phạm
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán nhà nước cho thấy hàng loạt sai phạm trong hoạt động quản lý, sử dụng và thanh lý xe công của các bộ, ngành, địa phương. Sau rà soát, Kiểm toán nhà nước cho biết trong cả nước có tới 2.334 xe công dôi dư. Tuy nhiên đến ngày 8-3-2017 mới chỉ có 23/28 bộ, cơ quan trung ương và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tình trạng xe dôi dư so với định mức, chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp về Bộ Tài chính song vẫn mua sắm thêm xe phục vụ công tác và xe chuyên dùng bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc thanh lý xe công chưa bảo đảm điều kiện về thời gian sử dụng đã được thanh lý diễn ra tại 2 bộ và 4 địa phương. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh lý 13 chiếc có thời gian sử dụng từ năm 2002 - 2006 (thiếu 1-5 năm). Tỉnh Đồng Nai thanh lý 7 có chiếc thời gian sử dụng từ 2002 đến 2009 (thiếu 1-8 năm). Tỉnh Bình Thuận thanh lý 6 chiếc có thời gian sử dụng từ 2002 đến 2006 (thiếu 1-5 năm)...
Nhiều sai phạm trong sử dụng, thanh lý xe "biển xanh" cũng được Kiểm toán nhà nước chỉ rõ. Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg và Thông tư số 159/2015/TT-BTC chưa quy định, hướng dẫn việc chuyển đổi từ xe phục vụ công tác sang xe chuyên dùng. Nhưng qua rà soát, đã có 6 bộ và 1 tỉnh chuyển đổi từ xe phục vụ công tác sang xe chuyên dùng. Cụ thể, Bộ Tài chính chuyển 385 xe, tỉnh Bến Tre chuyển 9 xe, Ngân hàng Nhà nước chuyển 76 xe, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển 33 xe... Tình trạng trang bị xe ô tô và xe chuyên dùng cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe cũng xảy ra ở một số địa phương.
Lo lắng công nợ, nợ xấu ở mức cao
Kết quả kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, 8 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho thấy, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, Kiểm toán nhà nước cho biết vẫn tồn tại một số hạn chế. Nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31-12-2015 tính đầy đủ cả nợ tồn đọng của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước là 476,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ. Nợ xấu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tính cả nợ đã bán cho VAMC là 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ...
Báo cáo cũng cho biết, VAMC chưa chủ động xử lý nợ xấu mà chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng bán nợ tự thực hiện với kết quả thấp. Tổng thu hồi nợ từ năm 2013 đến 2015 của VAMC là 22.902 tỷ đồng, chiếm 10,4% dư nợ đã mua. Việc cân đối vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội rất khó khăn, trong đó nhiều khoản vay từ Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước phải gia hạn hoặc khoanh nợ.
Đặc biệt, Kiểm toán nhà nước chỉ ra một số đơn vị còn tồn tại nhiều khoản công nợ phải thu tồn đọng từ nhiều năm, chưa được thu hồi và xử lý dứt điểm. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thu hồi được 769,30 tỷ đồng nợ gốc, 735,56 tỷ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính II và 26,26 tỷ đồng lãi của Công ty cho thuê tài chính I. Agribank để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,50 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng; PJICO để cán bộ chiếm dụng 0,81 tỷ đồng...
Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra một số khoản đầu tư tài chính hiệu quả thấp như SCIC đầu tư vào 14 doanh nghiệp 6.705 tỷ đồng, lợi nhuận được chia năm 2015 là 211 tỷ đồng tương ứng với tỷ suất sinh lời bình quân/vốn đầu tư là... 3%. Nhiều khoản đầu tư thậm chí không hiệu quả, khó thu hồi vốn. Tại SCIC, các khoản đầu tư vào Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty Bột giấy Phương Nam, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty CP Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh không hiệu quả... Tại Bảo Minh, đầu tư vào Công ty tài chính cổ phần Sông Đà 80 tỷ đồng, sau khi sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Quân đội, lỗ 26,18 tỷ đồng...
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi hoàn thiện sẽ trải qua sự kiểm duyệt chặt chẽ của hàng loạt cơ quan chức năng theo đúng quy định. Sau đó, Tổng Kiểm toán nhà nước mới ký quyết định ban hành và công khai theo đúng quy định của pháp luật.
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015 là 38.776 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu 11.365 tỷ đồng; giảm chi 16.174 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 1.569 tỷ đồng; phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 9.104 tỷ đồng; xử lý khác 564 tỷ đồng. Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị các đơn vị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong từng báo cáo kiểm toán.