Mạng lưới giáo dục mầm non: Xây dựng chưa theo kịp nhu cầu
Giáo dục - Ngày đăng : 07:09, 23/07/2017
Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến hệ thống trường học quá tải. Ảnh: Mạnh Hà |
Xây thêm trường, vẫn quá tải
Việc ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND với nhiều chỉ tiêu cùng những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh sự phát triển của hệ thống giáo dục mầm non được coi là dấu mốc quan trọng của ngành Giáo dục Thủ đô trước thềm năm học mới 2017-2018 và chặng đường tiếp theo. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, một trong những mục tiêu, cũng là nhiệm vụ cấp bách đặt ra với ngành Giáo dục Thủ đô giai đoạn này là phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; thực hiện công bằng trong giáo dục mầm non, tạo điều kiện để mọi trẻ đều được phát triển toàn diện.
Việc phấn đấu huy động 50% số trẻ nhà trẻ, 100% số trẻ mẫu giáo ra lớp vào năm 2020 là thách thức không nhỏ đối với Hà Nội. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội có hơn 1 nghìn trường mầm non; trong giai đoạn năm 2011-2015, thành phố đã xây mới 104 trường mầm non; cải tạo 145 trường, xây mới hơn 4 nghìn phòng học; thay thế 1.100 phòng học cấp 4 xuống cấp, song vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Nguyên nhân chính là tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, hằng năm số trẻ mầm non đến trường tăng từ 25 nghìn đến 30 nghìn trẻ. Toàn thành phố hiện có gần 500 nghìn trẻ đang được chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tại các quận ven đô như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông... ngày càng có nhiều khu đô thị mới, nhiều khu có quy mô dân số lên đến 1 vạn người, tương đương với quy mô dân số của 1 phường, nhưng lại “quên” xây trường. Qua thống kê của Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có khoảng 570 dự án khu đô thị mới và theo quy hoạch thì đều có trường học, nhưng thực tế không phải nơi nào cũng triển khai xây dựng, dẫn đến hiện tượng quá tải...
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết, dù ngân sách hằng năm dành cho xây dựng trường lớp khá lớn, song áp lực với các trường học, nhất là ở khối mầm non vẫn chưa giảm. Quy mô giáo dục mầm non của quận hiện lên tới gần 18 nghìn trẻ, sĩ số trung bình là hơn 60 bé/lớp -
cao nhất trong các cấp học. Còn theo ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Xuân, quận có 11 phường, với 37 trường mầm non, nhưng sĩ số vẫn lên tới hơn 50 bé/lớp. Trong khi đó, mỗi năm dân số của quận tăng thêm khoảng 7 nghìn người, kéo theo số lượng trẻ mầm non ngày càng tăng cao.
Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều huyện. Huyện Đông Anh có sĩ số trung bình 37 trẻ/lớp, song lại quá tải cục bộ tại một số địa bàn có khu công nghiệp. Đơn cử, xã Kim Chung có 3 trường mầm non, nhưng với 26 nghìn dân, nhiều gấp đôi so với một số xã khác, nên số trẻ mầm non luôn tăng đột biến vào đầu năm học, việc có được chỗ học cho trẻ trở thành mối lo lớn đối với các phụ huynh.
Mối lo song hành
Cầu Giấy là một trong những quận có tốc độ phát triển dân số nhanh do nhiều khu đô thị được xây dựng. Trong ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Thái Hiền |
Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới trường lớp, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đây là hai mối lo song hành không thể tách rời của ngành Giáo dục Thủ đô những năm gần đây.
Với quan điểm, muốn tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, những điều kiện tạo ra “sản phẩm” cũng phải đạt chuẩn, những năm gần đây, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được cả hệ thống chính trị tham gia, hỗ trợ tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, sự quan tâm đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn vẫn chưa tương xứng. Năm nào, mầm non cũng đứng vị trí gần “đội sổ” về tỷ lệ trường đạt chuẩn. Năm 2017, tỷ lệ trường tiểu học, THCS đạt chuẩn của toàn thành phố chiếm khoảng 70%, còn ở khối mầm non chỉ bằng 1/2.
Để đạt được mục tiêu có từ 65% đến 70% số trường mầm non đạt chuẩn vào năm 2020 như Kế hoạch 143/KH-UBND đề ra, các địa phương đứng trước thách thức nặng nề. Ông Lê Ngọc Tôn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết, từ nay đến năm 2020, cùng với nhiệm vụ xây dựng 8 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, Ba Vì còn phải giải quyết 150 phòng học xuống cấp. Mục tiêu ưu tiên vẫn phải là bảo đảm cho học sinh có chỗ học an toàn, nên việc dành kinh phí để xây dựng trường chuẩn quốc gia theo tiến độ đề ra chưa được như mong muốn. Tương tự, huyện Ứng Hòa vừa đứng trước mối lo còn tới 116 phòng học xuống cấp, vừa phải đầu tư xây dựng 11 trường mầm non đạt chuẩn trong 3 năm tới...
Theo Kế hoạch 143/KH - UBND, từ nay tới năm 2020, Hà Nội phấn đấu huy động số trẻ đi học tại các trường công lập đạt 70%, ngoài công lập đạt 30%; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 3%; 100% số trường, nhóm lớp có công trình vệ sinh và nước sạch đạt chuẩn; 100% số trường có đủ đồ dùng dạy học theo danh mục quy định; mỗi quận, huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trường mầm non chất lượng cao. |