Vợi bớt nỗi đau, thêm nguồn an ủi!

Đời sống - Ngày đăng : 07:51, 23/07/2017

(HNM) - Hiện nay, cả nước còn tồn đọng hàng nghìn hồ sơ đề nghị xác nhận người có công chưa được giải quyết...

Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Trách nhiệm không của riêng ai


Đón nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” của anh trai Tô Văn Nhân (Bộ Quốc phòng) hy sinh đã lâu, ông Tô Văn Chiến bày tỏ: “Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Nhiều năm qua, gia đình tôi luôn trăn trở khi sự hy sinh của người thân chưa được ghi nhận chính thức. Tôi mong rằng Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành chức năng tiếp tục quan tâm giải quyết hồ sơ tồn đọng để người có công được hưởng các chế độ ưu đãi, góp phần bù đắp phần nào nỗi đau do chiến tranh gây ra”.

Tương tự như gia đình ông Tô Văn Chiến, rất nhiều trường hợp hy sinh nhiều năm, đến nay mới được công nhận là liệt sĩ. Đó là trường hợp liệt sĩ Đặng Văn Tiết (tỉnh Long An) bị đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm; liệt sĩ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh năm 1945; liệt sĩ Nguyễn Quang Rực (Thái Bình) hy sinh năm 1951...

Trên thực tế, công tác giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện. Những năm qua, các cơ quan chức năng đã xác nhận hơn 1,1 triệu liệt sĩ, hơn 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 600 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, gần 185 nghìn bệnh binh, gần 312 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…

Tuy nhiên, cả nước vẫn còn khoảng 30 nghìn trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng các chính sách, trong đó có hơn 5,9 nghìn trường hợp chưa được xác nhận là liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Nguyên nhân là do trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, nhiều người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến không giữ được giấy tờ gốc... nên không đủ căn cứ để xác nhận người có công.

“Nhiều người có công thực sự chưa được thụ hưởng các chính sách ưu đãi là nỗi trăn trở, day dứt đối với các thế hệ hôm nay, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương. Vì vậy, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là trách nhiệm không của riêng ai”, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Lợi khẳng định.

Nỗ lực giải quyết

Thực hiện nhiệm vụ “Không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, từ năm 2016 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại tỉnh Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An và thành phố Đà Nẵng. Áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt, trong thời gian gần 6 tháng, các cơ quan chức năng đã xác nhận người có công đối với 86 trường hợp, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Từ hiệu quả của việc thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017 về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công.

Nghiêm túc thực hiện các chính sách, TP Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc xác nhận người có công với cách mạng. Đến thời điểm này, Hà Nội không còn hồ sơ tồn đọng ở cấp thành phố cần giải quyết theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH. “Xét thấy việc giải quyết hồ sơ tồn đọng rất cần thiết, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chủ động gửi công văn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho phép Hà Nội giải quyết 40 hồ sơ tồn đọng nằm ở các gia đình theo quy trình của Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho hay.

Để hoàn thành mục tiêu giải quyết hồ sơ tồn đọng trong năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 170/KH-UBND ngày 12-7 yêu cầu các địa phương trên địa bàn thành phố kiện toàn ban chỉ đạo, hội đồng xác nhận người có công các cấp nhằm bảo đảm cho quy trình tổ chức xét duyệt hồ sơ diễn ra công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Trên tinh thần đó, những hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã lập trước ngày 1-7-2013 đúng quy định, nhưng còn thiếu giấy tờ… sẽ được xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Cùng với Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng nỗ lực giải quyết hồ sơ tồn đọng, tạo điều kiện để người có công được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ cho việc xét duyệt hồ sơ tồn đọng, phấn đấu trong năm 2017 giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đến năm 2020 giải quyết xong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp làm giả hồ sơ người có công. “Công việc này rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, nhưng cũng là hành động thiết thực, ý nghĩa bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với người có công nên khó mấy cũng phải làm”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định.

Hà Hiền