Tri ân người có công bằng việc làm cụ thể, thiết thực
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 24/07/2017
Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi về công tác đền ơn đáp nghĩa mà thành phố đã thực hiện những năm qua.
- Xin đồng chí cho biết công tác đền ơn đáp nghĩa đã được TP Hà Nội triển khai như thế nào?
- Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước với gần 800 nghìn người (chiếm gần 10% tổng số người có công của cả nước), trong đó có hơn 6.500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hơn 200 mẹ còn sống), hơn 45 nghìn thương binh, bệnh binh và gần 80 nghìn liệt sĩ… Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực để người có công có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, Thành ủy, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”… đến các tầng lớp nhân dân; động viên, khuyến khích nhân dân thể hiện tình cảm, trách nhiệm với người có công. Hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác đền ơn đáp nghĩa, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhiệt tình ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần hỗ trợ người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở hoặc khi gặp khó khăn, hoạn nạn; nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, cha mẹ liệt sĩ neo đơn…
Chuẩn bị nguồn lực để tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 9-3-2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong kế hoạch, UBND thành phố đặt mục tiêu toàn thành phố vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt hơn 18,4 tỷ đồng; tặng hơn 3.500 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa”, tu sửa hơn 100 công trình ghi công liệt sĩ… Tiếp đó, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 7-10-2016 về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ… Triển khai các kế hoạch, quyết định này, công tác đền ơn đáp nghĩa thu được kết quả khả quan.
- Những kết quả nổi bật mà phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của thành phố đạt được trong những năm gần đây là gì, thưa đồng chí?
- Từ thời điểm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) đến nay, toàn thành phố vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 297 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ gần 14 nghìn gia đình người có công xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng hơn 55 nghìn sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” cho các đối tượng chính sách; đưa hơn 130 nghìn lượt người đi điều dưỡng luân phiên… Hằng năm, Hà Nội trích ngân sách khoảng hơn 140 tỷ đồng tặng quà cho người có công vào dịp 27-7, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán…
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TP Hà Nội kêu gọi vận động xã hội hóa và ứng trước kinh phí thực hiện hỗ trợ hơn 7.500 hộ gia đình người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tổng kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 402 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách là 229 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 173 tỷ đồng. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn vận động xã hội hóa được trên 40 tỷ đồng hỗ trợ gần 1 nghìn gia đình chính sách xây dựng, sửa chữa nhà ở, vượt xa so với mục tiêu đề ra trong Kế hoạch số 55/KH-UBND. Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội không còn hộ gia đình chính sách nào phải ở nhà xuống cấp. Các gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Đáng ghi nhận hơn, các cấp, các ngành, các địa phương đều có Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách khi không may gặp khó khăn, hoạn nạn. Hệ thống công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý, chăm sóc thường xuyên. Trong 3 tháng cao điểm vận động toàn dân đền ơn đáp nghĩa kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, những thương binh cần hỗ trợ xe lăn đã được hỗ trợ xe lăn; trường hợp con thương binh, liệt sĩ cần hỗ trợ việc làm đã được các quận, huyện, thị xã quan tâm giải quyết. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa vận động được trên 56 tỷ đồng, đạt hơn 300% so với kế hoạch; tặng 8.302 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí hơn 11 tỷ đồng, đạt 237% so với kế hoạch; tu sửa nâng cấp 261 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 188 tỷ đồng, đạt 239% so với kế hoạch...
- Trong những năm tiếp theo, TP Hà Nội sẽ triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?
- Trước hết, các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. UBND thành phố khuyến khích các cấp, các ngành, địa phương phát động sâu rộng hơn nữa phong trào Đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc người có công, thực hiện tốt phương châm: “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”.
Với đối tượng chính sách, thành phố tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, không để hộ gia đình người có công nào tái nghèo đa chiều theo tiêu chí mới.
Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa, quan tâm toàn diện đến các đối tượng chính sách, người có công.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!