TP Hồ Chí Minh: Tập trung phát triển giao thông công cộng
Giao thông - Ngày đăng : 06:54, 24/07/2017
Tắc đường đang là nỗi ám ảnh của người dân TP Hồ Chí Minh. |
Cấm xe máy vào năm 2030?
Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), dự báo đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh có trên 400.000 ô tô con, trung bình 45 xe/1.000 dân, tăng bình quân gần 14%/năm. Trong khi đó, xe máy là gần 8,4 triệu chiếc, trung bình hơn 900 xe/1.000 dân, tăng 3,5%/năm. Đến năm 2030, số ô tô con là gần 900.000 chiếc và xe máy xấp xỉ 10 triệu chiếc.
Sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh chóng của loại hình “xe công nghệ” như: Grab, Uber, GrabBike…, cũng góp phần gây ra sự quá tải cho hạ tầng giao thông. Theo thống kê từ Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TP Hồ Chí Minh, nếu như cuối năm 2015 chỉ có khoảng 300 xe ô tô dưới 9 chỗ đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách thì đến hết năm 2016 là hơn 22.000 xe (gấp hơn 70 lần), chủ yếu là Grab và Uber. Trên địa bàn thành phố còn có khoảng 11.500 xe mô tô, xe máy 2 bánh hoạt động vận tải hành khách, gồm cả xe ôm truyền thống và xe GrabBike. Dự báo đến năm 2020, hệ thống vận tải hành khách công cộng chỉ chiếm hơn 12% thị phần, còn vận tải cá nhân sẽ chiếm tới gần 88%.
Trong khi đó, hạ tầng giao thông đô thị hiện đã rất quá tải. Tại TP Hồ Chí Minh, diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,6% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Hằng năm, chiều dài các tuyến đường bộ tăng bình quân hơn 1,1%, còn mật độ đường trên địa bàn chỉ đạt 1,95km/km2. Ngược lại, với khoảng 7,5 triệu phương tiện hiện có, nếu toàn bộ xe đỗ trên mặt đường sẽ chiếm tới gần 40% diện tích mặt đường đô thị. Và nếu 60% phương tiện lưu thông với vận tốc bình quân 20km/giờ thì diện tích mặt đường đô thị toàn thành phố vượt năng lực khoảng 1,2 lần; khu vực trung tâm như: Quận 1, 3, 5 và 10 là khoảng 2 lần.
Trước sự quá tải trên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đã đến lúc đưa ra lộ trình cụ thể hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông như Hà Nội. Tiến sĩ Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông cho hay, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng lộ trình hạn chế xe máy và đến năm 2030 cùng với Hà Nội dừng hẳn hoạt động loại hình này tại khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời, thành phố phải xác định xe buýt là loại hình vận tải công cộng chủ lực để có chính sách phát triển đúng hướng và bền vững.
Cần có lộ trình phù hợp
Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, nếu TP Hồ Chí Minh muốn giành lại thị phần vận tải hành khách công cộng, giảm áp lực cho hạ tầng giao thông thì ngành GT-VT phải thực hiện được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch. Cụ thể, cần kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường phát triển tối đa năng lực vận tải hành khách công cộng như: Đường sắt đô thị, xe buýt nhanh (BRT), xe điện mặt đất (tramway), tàu điện một ray (monorail)… Khi đó, đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng sẽ chiếm 25 đến 30% và đến năm 2030 từ 40 đến 50%.
Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh), cho biết trước hết, thành phố cần tiến hành điều tra xã hội học và nghiên cứu kỹ lưỡng đối với từng khu vực đô thị, từng tuyến đường, trong đó chú trọng các điểm ùn tắc giao thông. Trên cơ sở này áp dụng các biện pháp hạn chế hay cấm đối với hoạt động của từng loại xe cá nhân cho phù hợp. Ngoài ra, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu chỉ dựa trên số liệu đăng ký, đăng kiểm xe của các cơ quan chức năng để xác định số lượng xe ở TP Hồ Chí Minh là chưa đầy đủ, cần tiến hành tính toán số lượng xe thực tế ở từng điểm, từng tuyến đường, khung giờ, về mật độ tham gia giao thông, khi đó mới có cơ sở vững chắc xác định lượng xe lưu thông thường xuyên để đưa ra các biện pháp ứng phó thích hợp.
Trước những góp ý trên, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho biết, đến năm 2030, thành phố chưa thể cấm xe gắn máy. Trước mắt, thành phố sẽ nghiên cứu và thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát việc sử dụng xe cá nhân, đặc biệt là xe máy. Thành phố sẽ tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng và đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Nếu người dân đi lại chủ yếu bằng phương tiện vận tải công cộng thì khi đó thành phố mới tính đến giải pháp cấm xe máy.
Theo Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện các nhóm giải pháp để hạn chế dần việc sử dụng xe cá nhân, tăng cường phát triển xe buýt chia làm 2 giai đoạn, gồm: 2017 - 2020 và 2020 - 2030. Trong đó, có 58 giải pháp đủ cơ sở pháp lý để chính quyền thành phố tổ chức thực hiện; 7 giải pháp cần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành để đủ cơ sở pháp lý trước khi triển khai thực hiện. Giai đoạn 2017 - 2020 sẽ kiểm soát sử dụng xe cá nhân tham gia giao thông. Giai đoạn 2020 - 2030, tăng cường phát triển, nâng cao chất lượng hiệu quả vận tải hành khách công cộng và kiểm soát sử dụng xe cá nhân. |