Cần một cuộc “ra quân” đồng bộ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:55, 26/07/2017
Tình hình quản lý giá thuốc chắc chắn vẫn có sự phức tạp bởi, vào tháng 5-2017, vấn đề quản lý giá thuốc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn là một trong những nhóm vấn đề được đề xuất trình Quốc hội xem xét tiến hành chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. Cũng tại kỳ họp này, trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dù khẳng định về sự tiến bộ trong công tác quản lý giá tại các quầy thuốc nằm trong khu vực bệnh viện công lập, nhưng thừa nhận giá bán lẻ giữa các cửa hàng thuốc ngoài bệnh viện vẫn có sự chênh lệch lớn, cần phải đẩy mạnh quản lý nhằm giúp người dân không bị thiệt thòi.
Những ý kiến chính thức của lãnh đạo ngành Y tế từ diễn đàn Quốc hội về vấn đề giá thuốc và sự cần thiết phải chấn chỉnh cần được hiện thực hóa thông qua các giải pháp quản lý đồng bộ, khả thi, hiệu quả trong tương lai gần bởi ai cũng biết giá thuốc liên quan đến “túi tiền” và sức khỏe của nhân dân, nếu không được thực hiện rốt ráo thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khác.
Về cơ bản, việc quản lý giá thuốc phải được triển khai theo hướng bám sát những quy định hiện hành, đặc biệt là Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược (hiệu lực từ ngày 1-7-2017, trong đó, Chương VIII của Nghị định đề cập cụ thể các quy định về quản lý giá thuốc) cũng như các quy định về đấu thầu thuốc. Tuy nhiên, dựa trên những quy định chung, ngành Y tế và các cơ quan liên quan cần có giải pháp quản lý đồng bộ nhưng đồng thời phải có tính cụ thể, phù hợp với từng khâu, từng thành phần tham gia kênh phân phối dược phẩm tại Việt Nam cũng như từng tỉnh, thành phố.
Nói như vậy là bởi hiện nay, trong thành phần tham gia kênh phân phối dược phẩm không chỉ có các nhà bán buôn và nhà sản xuất có hệ thống phân phối của riêng mình, các cơ sở bán buôn cấp 1, cấp 2… mà còn có đông đảo cơ sở bán lẻ trên phạm vi toàn quốc - tập trung nhiều nhất tại hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội với hàng nghìn cơ sở.
Với sự đa dạng đó, việc quản lý giá thuốc không chỉ gồm nhóm giải pháp về đấu thầu, quản lý các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, mà còn cần giải pháp cho nhóm đại lý cấp 1, cấp 2 bởi nếu không kiểm soát tốt, chính những nhóm này sẽ đẩy giá thuốc lên gấp nhiều lần, đặc biệt với những loại thuốc quý, hiếm. Việc quản lý giá thuốc liên quan tới ngành Y tế, chính quyền địa phương và một số ngành khác có trách nhiệm kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, đòi hỏi tinh thần cộng đồng trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị, từng cá nhân tham gia vào phần việc này.
Như đã đề cập ở trên, yêu cầu quản lý giá thuốc là điều được đặt ra từ lâu nhưng đến giờ vẫn chưa thu được kết quả cần thiết. Bởi thế, việc kiểm soát giá thuốc cần được triển khai thực hiện với một tinh thần khác. Cụ thể, cần phải có một cuộc “ra quân” đồng bộ, thường xuyên, liên tục như chúng ta đã thực hiện nhằm “giành lại hè phố cho người đi bộ” hay từng bước loại bỏ thực phẩm “bẩn” ra khỏi đời sống. Kết quả sẽ không như ý nếu giải pháp quản lý được thực hiện một cách nửa vời.