Bao giờ “dẹp loạn” giá thuốc?
Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 26/07/2017
Người dân nên đến những nhà thuốc uy tín để tránh mua phải thuốc kém chất lượng hoặc có giá “trên trời”. |
Mỗi nơi mỗi giá
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế Nguyễn Tất Đạt, Nghị định 54/2017/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày 1-7) đã quy định về các biện pháp quản lý giá thuốc. Cụ thể, cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó kê khai, kê khai lại. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố và lợi nhuận bán lẻ chỉ từ 2 đến 15%.
Thế nhưng, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại mỗi cửa hàng, quầy thuốc người bán lại đưa ra nhiều mức giá khác nhau, thậm chí chênh lệch nhiều lần. Dù các cơ sở kinh doanh thuốc đã niêm yết và bán đúng giá công khai, nhưng mức giá này lại cao hơn nhiều lần so với quy định. Trong khi đó, thuốc là mặt hàng đặc trưng mà người bệnh khó có thể hoặc không thể mặc cả. Vì vậy, dù giá cao nhưng để bảo đảm tính mạng, người bệnh vẫn phải chấp nhận mua. Và khi thuốc trên thị trường rơi vào cảnh loạn giá, người chịu thiệt không ai khác là bệnh nhân.
Khảo sát tại 4 quầy thuốc quanh khu vực Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên), thuốc Fugacar có 3 giá bán khác nhau, trung bình 17.000 đồng/viên, cao nhất lên tới 19.000 đồng/viên. Theo giá kê khai tại Cục Quản lý dược ngày 30-6, loại thuốc này có giá 13.700 đồng/viên. Như vậy, theo quy định giá bán lẻ chỉ được bán 14.659 đồng/viên. Tương tự, trên phố Ngọc Lâm (quận Long Biên), tại cửa hàng thuốc dược sĩ Đào Thị Lam, một lọ thuốc “Bổ phế chỉ khái lộ” của Công ty cổ phần Dược phẩm Nam Hà được bán với giá 25.000 đồng, còn cửa hàng thuốc Phúc Hải lại bán với giá 22.000 đồng/lọ. Trong khi đó, giá kê khai loại thuốc này tại Cục Quản lý dược ngày 14-7 là 12.000 đồng và theo quy định, giá bán lẻ chỉ vào khoảng 13.200 đồng.
Chị Lê Thu Huyền (ở Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông) than phiền, chồng chị được bác sĩ kê đơn thuốc Diflazon (150mg) điều trị nấm dạ dày. Theo chỉ định, loại thuốc này phải uống 1 viên/ngày và uống liên tục trong vòng 3 tháng/đợt điều trị. Trong đợt điều trị đầu tiên, chị Huyền mua tại hiệu thuốc gần nhà với giá 75.000 đồng/viên. Sau đó, chị tìm đến cửa hàng thuốc trên phố Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) mua chỉ với giá 65.000 đồng/viên. “Mỗi viên thuốc chênh nhau 10.000 đồng. Như vậy, mỗi đợt điều trị kéo dài 3 tháng, người bệnh bị “móc túi” số tiền lên đến 900.000 đồng” - chị Huyền nói.
Tăng cường kiểm tra giá thuốc
Hiện giá thuốc trên thị trường có nhiều mức khác nhau, thậm chí chênh lệch nhiều lần. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ chi tiêu của người Việt Nam cho chữa bệnh là 43%, chiếm tỷ lệ khá cao trên thế giới và chi phí tiền thuốc chiếm khoảng 60% chi phí điều trị. Do đó, kiểm soát giá thuốc có ý nghĩa quan trọng trong giảm chi phí điều trị.
Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 11/2016/TT-BYT ngày 11-5-2016 quy định về giá thuốc đấu thầu. Theo đó, danh mục giá thuốc được phân ra 3 loại: Thuốc trong bệnh viện công lập dùng qua bảo hiểm chi trả; các quầy thuốc trong bệnh viện công lập và quầy thuốc bán lẻ ngoài bệnh viện. Đối với quầy thuốc trong bệnh viện, Bộ Y tế đã thành lập trung tâm đấu thầu thuốc tập trung để đưa ra giá tham chiếu, cao nhất và thấp nhất sử dụng trên toàn quốc. Hiện tại, Bộ Y tế quản lý khá tốt khu vực quầy thuốc này.
Đối với quầy thuốc bán lẻ ngoài bệnh viện, người dân có thể mua thuốc ở bất kỳ đâu mà không cần có đơn của bác sĩ, khiến tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh gia tăng cao như hiện nay. Việc này người đứng đầu ngành Y tế đã nhận trách nhiệm và cố gắng chấn chỉnh trong thời gian tới. Về việc giá giữa các quầy thuốc bán lẻ khác nhau là do quy luật thị trường.
Dựa trên giá kê khai được Cục Quản lý dược công bố công khai trên website của ngành, người tiêu dùng có thể chọn quầy thuốc có giá bán phù hợp. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, giá thuốc bán lẻ chênh lệch quá nhiều, cần phải được quản lý tốt hơn. Một số loại thuốc có giá cao, thường tập trung ở nhóm biệt dược, do vấn đề bản quyền. Hiện tại, có gần 700 biệt dược có bản quyền, Bộ Y tế sẽ nắm bắt nhu cầu và tổ chức đàm phán giá với đối tác cung cấp. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các cơ sở bán thuốc vi phạm về giá theo quy định.
Hy vọng, với việc ra đời của hàng loạt các văn bản, các quy định, cộng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, thời gian tới, thị trường thuốc tân dược sẽ được “dẹp loạn”, đi vào nền nếp.
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Quyết định 1153/QĐ-SYT thành lập 2 đoàn để kiểm tra các cơ sở bán lẻ thuốc trong và ngoài bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tuân thủ và duy trì các điều kiện của cơ sở theo điều kiện thẩm định ban đầu hoặc tái thẩm định. Mặt khác, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động chuyên môn của cơ sở, chất lượng thuốc, niêm yết công khai giá thuốc, tuân thủ giá bán theo quy định... Trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc hoặc không đúng theo quy định về kinh doanh thuốc có thể đề xuất biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. |