Thiếu trường học trầm trọng

Giáo dục - Ngày đăng : 06:42, 27/07/2017

(HNM) - Thiếu trường công lập, lớp học chật chội, quá tải..., đó là nỗi niềm của đa số công nhân lao động và người dân đang sống trên địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh).


Nghèo vẫn phải học trường tư

Chưa bao giờ tình trạng tuyển sinh đầu vào cấp mầm non và tiểu học tại xã Kim Chung lại căng thẳng như năm học 2017-2018 sắp tới. Trên địa bàn xã Kim Chung có trên 12.000 người thường trú và 15.000 công nhân Khu công nghiệp Thăng Long đang tạm trú. Dân số đông là vậy nhưng hiện tại xã chỉ có 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học công lập.

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long thuê trọ tại xã Kim Chung luôn mong muốn được đưa con vào học tại trường công lập của xã nhưng khả năng đáp ứng rất hạn chế.


Ở cấp mầm non, có 2 trường công lập là Trường Mầm non Kim Chung A với khả năng tiếp nhận hơn 270 trẻ và một cơ sở 2 nằm trong dự án khu nhà ở phục vụ công nhân có khả năng tiếp nhận khoảng 200 trẻ. Nhưng trên thực tế, số trẻ vào trường hằng năm tăng gấp 3. Theo bà Nguyễn Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Chung A, đến nay trường có 720 cháu ở các độ tuổi mầm non, mẫu giáo đang theo học, trong đó có 90% các cháu là con của công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long. Tương tự, cơ sở 2 của Trường Mầm non Kim Chung cũng tiếp nhận gần 800 trẻ.

Cũng theo bà Nguyễn Kim Thoa, thống kê trên địa bàn xã cho thấy, trẻ từ độ tuổi 0-36 tháng có gần 4.000 cháu. Trong khi đó, 2 trường mầm non công lập của xã chỉ tiếp nhận hơn 1.500 trẻ, còn lại 2.500 trường hợp buộc phải học tại các nhóm trẻ hoặc trường tư thục.

Hiện tại, xã Kim Chung có 2 nhóm trẻ quy mô lớn với 200 cháu/nhóm; 10 nhóm trẻ quy mô nhỏ, tiếp nhận từ 30 đến 180 cháu/nhóm; 1 trường mầm non tư thục tiếp nhận hơn 200 cháu. Điều đáng lưu ý là điều kiện kinh tế nhiều gia đình thuộc diện eo hẹp nhưng do trường công quá tải nên buộc nhiều phụ huynh vẫn phải gửi con ở các nhóm trẻ hoặc trường tư thục. Tiền học phí gửi nhóm trẻ là 800.000-1.000.000 đồng/tháng; trường tư thục có mức phí dao động từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng/tháng.

Chị Nguyễn Hoàng Anh (quê Phú Thọ) hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long cho biết: "Tôi thuê trọ ở thôn Bầu (xã Kim Chung), năm nay con tôi gần 3 tuổi, mẹ tôi già yếu không trông cháu được nên phải tính chuyện mang con gửi trẻ. Nhưng trường mầm non công lập ở khu vực này quá tải nên tôi phải gửi cháu ở trường tư thục, mức đóng góp cao. Với đồng lương eo hẹp, nếu sau 1 - 2 năm không chịu được mức phí này có lẽ tôi phải cho con về quê học".

Cần lắm sự đồng bộ

Ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết, quá tải trường, lớp là thực trạng tồn tại nhiều năm nay ở xã Kim Chung. Số lượng công nhân thuê trọ mỗi ngày một đông, mọi thứ đều phình ra, nhưng trường học là thứ gây đau đầu nhất. Điều lo lắng hơn cả là sự thiếu hụt tiếp nối sau khi trẻ mầm non đến tuổi học tiểu học. Ở cấp tiểu học, xã Kim Chung có một trường công lập duy nhất và hiện tại có 1.960 học sinh. Riêng ở cấp này, địa bàn xã không có trường tư thục nào.

Bà Trần Thị Sản, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Chung cho biết, trong 3 năm liên tiếp 2014, 2015, 2016, trường rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng do số học sinh tăng đột biến. Năm học 2017 - 2018, trường được xây dựng cấp tốc thêm 12 phòng học. Vì vậy, tạm thời trong năm nay, số học sinh ở mỗi lớp được giãn ra, khoảng 40 học sinh/lớp.

Tuy nhiên, do đặc thù là nơi đón nhận thêm đa số là con em công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn nên việc xây dựng thêm lớp học chỉ có thể giải quyết những khó khăn trước mắt. Về lâu về dài, số học sinh mầm non lên cấp tiểu học sẽ ngày càng nhiều và không tránh khỏi tình trạng quá tải nếu trên địa bàn không có sự bổ sung trường học.

Điều đáng lưu ý là hiện trạng thiếu trường lớp công lập ở địa bàn xã Kim Chung cũng là câu chuyện của nhiều địa phương khác có khu công nghiệp "trú chân". Giải quyết tình trạng này, một số doanh nghiệp có tổ chức lớp trông trẻ cho công nhân nhưng quy mô hạn chế hoặc thiếu bền vững. Điều này cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho doanh nghiệp.

Bởi đúng như ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng phát biểu, cần có mô hình trường học trong các quy hoạch khu công nghiệp. Ở những khu công nghiệp lớn có hàng chục nghìn công nhân lao động, nếu không có trường học, bệnh viện và các dịch vụ tiện ích khác thì quả là thiếu sót. Việc thiếu trường học không chỉ gây khó khăn cho các bậc phụ huynh, mà còn gây áp lực lớn lên các trường trên địa bàn có công nhân thuê trọ.

Vì vậy cần lắm sự đồng bộ giữa các giải pháp, cơ chế chính sách để không còn tình trạng căng thẳng đầu vào tuyển sinh bậc mầm non, tiểu học cho con em công nhân như đang xảy ra tại xã Kim Chung.

Cho đến nay, mô hình nhà trẻ riêng ở Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp vẫn được đánh giá là một mô hình tốt. Bà Ngô Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Tổ chức Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp cho biết, để công nhân yên tâm làm việc, công ty tổ chức thuê giáo viên về dạy học, trông trẻ theo giờ làm việc của phụ huynh. Người lao động chỉ đóng tiền ăn cho con, mỗi ngày là 12.000 đồng/trẻ và thêm chi phí văn phòng phẩm. Mức đóng mỗi tháng khoảng 250.000-300.000 đồng/trẻ.

Kim Vũ