70 năm nghĩa nặng, tình sâu - Hà Nội nêu cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 27/07/2017

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có bài viết nhan đề

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khiếu (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Ảnh: Viết Thành


Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ dựng và giữ nước đã có biết bao lớp người làm nên những chiến công vĩ đại, cống hiến hy sinh, xây dựng, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, có những người con dũng cảm của Thủ đô văn hiến, anh hùng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu đào của các anh hùng liệt sĩ vẫn luôn thắm đỏ, sự mất mát của các thương binh, bệnh binh, sự đau thương của thân nhân liệt sĩ, những người ảnh hưởng di chứng chiến tranh vẫn chưa thể nguôi ngoai, vẫn còn biết bao vết thương chưa lành trên dải đất hình chữ S. Bằng sự tri ân, tình cảm và trách nhiệm, dù trong chiến tranh hay trong xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân Thủ đô luôn thực hiện tốt các chính sách chăm sóc người có công với cách mạng, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” để góp phần chia sẻ, giảm bớt những mất mát, đau thương...

1. Sau Cách mạng Tháng Tám, dù nước ta trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ. Trong Thư gửi đồng bào Việt Nam, Người bày tỏ: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.

Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, biết ơn đối với những thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện Chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, các khối và các tỉnh họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã bàn bạc, nhất trí lấy ngày 27-7 hằng năm làm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Kể từ đó, 27-7 trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam. Những ngọn nến lung linh được thắp trên hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ từ cực Bắc đến cực Nam Tổ quốc, những ngọn hoa đăng thả xuống những dòng sông, trên Biển Đông bạc sóng trong những ngày tháng Bảy hằng năm không chỉ là lời nhắc nhở về chủ quyền thiêng liêng, mà còn là chỉ dấu để chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm, tình cảm của mỗi người dân Việt hôm nay với lớp lớp anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, yêu thương và giúp đỡ họ”, 70 năm qua, khởi đầu từ Sắc lệnh 20/SL, ngày 16-2-1947 “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, đến nay, hệ thống chính sách đối với người có công không ngừng được mở rộng, hoàn thiện. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 1-6-2012 của Đảng về định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 nêu rõ: “Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, định hướng cải cách đến năm 2020” tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng: “Nghiên cứu cải cách chính sách ưu đãi người có công, sớm điều chỉnh mức chuẩn bảo đảm tương ứng với mức chi tiêu bình quân toàn xã hội để người có công có mức sống trung bình khá trong xã hội”. Theo Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 6-6-2017 của Chính phủ, từ ngày 1-7-2017, người có công được nâng cao mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

Với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác chăm sóc người có công đã động viên sự tham gia, đóng góp to lớn của cộng đồng. Từ hành động “Hiếu nghĩa bác ái”, các phong trào “Mùa đông binh sĩ”, “Hũ gạo nghĩa tình”… trong thời kỳ kháng chiến, đến nay, phong trào toàn dân tham gia đền ơn đáp nghĩa phát triển rộng khắp. Nổi bật là phong trào vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trao tặng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Việc thực hiện các chính sách đối với người có công có ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần bồi đắp truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; đồng thời tạo dựng, củng cố niềm tin vào chế độ xã hội tốt đẹp, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với thế hệ trước.

2. Cùng với cả nước, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng luôn nỗ lực, cố gắng chăm lo toàn diện cho người có công.

Trong những năm kháng chiến, hoàn cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách ở Hà Nội đã nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt, như: Tạo việc làm phù hợp, ưu tiên trong phân phối thu nhập, lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe… Nhờ sự quan tâm đặc biệt đó, đối tượng chính sách có cuộc sống tương đối ổn định.

Trong thời kỳ đổi mới, người có công trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục được quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt. Những năm đầu 90 của thế kỷ trước, Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hàng nghìn nhà ở; tặng hàng vạn sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách; cải tạo, xây dựng nhiều nghĩa trang liệt sĩ… Phong trào phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, con liệt sĩ, bố mẹ liệt sĩ cô đơn được các cơ quan, đơn vị và toàn dân hưởng ứng. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được chăm sóc, phụng dưỡng đến hết đời. Bên cạnh đó, Hà Nội đã nhận phụng dưỡng nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Những năm gần đây, kinh tế Thủ đô ngày càng phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ngày một nâng lên, công tác chăm sóc người có công được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân Thủ đô quan tâm sâu sắc. Với số lượng người có công lên tới gần 80 vạn người, chiếm khoảng 12,5% dân số của thành phố và bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, thách thức, luôn thực hiện tốt các chương trình đền ơn đáp nghĩa, là địa phương tiêu biểu của cả nước trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công.

Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc xét duyệt hồ sơ tồn đọng và xác nhận người có công với cách mạng, ra quyết định trợ cấp cho thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng chất độc da cam; trợ cấp ưu đãi giáo dục - đào tạo; hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng chính sách; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Hà Nội đã ban hành một số chính sách đặc thù nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Từ năm 2012, Hà Nội cấp gần 20 nghìn thẻ đi xe buýt miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, người có công; tổ chức điều dưỡng luân phiên 2 năm/lần cho các đối tượng người có công (theo quy định là 5 năm/lần). Chính sách điều dưỡng đặc thù của Hà Nội hiện đã được Trung ương nhân rộng, áp dụng trên phạm vi cả nước.


Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn TP Hà Nội cũng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được xây dựng ở tất cả các cấp, các ngành. Tính từ năm 2008 đến nay, thành phố vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 297 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 13 nghìn gia đình người có công xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng hơn 55 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa; tổ chức điều dưỡng luân phiên cho hơn 130 nghìn lượt người; tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 71 tỷ đồng/năm. Hằng năm, Hà Nội dành ngân sách khoảng trên 140 tỷ đồng tặng quà cho đối tượng người có công vào dịp 27-7, Quốc khánh 2-9, Tết cổ truyền dân tộc...

Đặc biệt, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), TP Hà Nội chủ trương kêu gọi vận động xã hội hóa và ứng trước nguồn kinh phí triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 7.566 hộ gia đình người có công với cách mạng, với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 402 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách là 229 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa là 173 tỷ đồng. Đến tháng 7-2017, cơ bản các hộ gia đình người có công đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở; rà soát, có kế hoạch giúp đỡ và tặng xe lăn cho tất cả các thương binh có nhu cầu; hệ thống nghĩa trang liệt sĩ được các địa phương quan tâm cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trang nghiêm, sạch, đẹp. Hà Nội cơ bản không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Bằng những việc làm thiết thực, qua các phong trào tình nghĩa, trách nhiệm, tình cảm của nhân dân Thủ đô đối với người có công đã góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời tạo thêm nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các hộ người có công còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thành phố có hàng ngàn gia đình thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ tiêu biểu đã khắc phục khó khăn, vượt lên thương tật, bệnh tật, tích cực tham gia lao động, sản xuất, có nhiều đóng góp, tạo nên những thành công chung của thành phố. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của thương, bệnh binh hoạt động có hiệu quả đã thu hút nhiều lao động, giải quyết nhiều việc làm, góp phần cùng địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân...

3. Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã, đang làm nhiều việc để các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công có cuộc sống tốt đẹp hơn. Song, chúng ta chưa thể yên lòng khi thực tế vẫn còn những gia đình chính sách khó khăn, còn những vết thương chiến tranh chưa lành, còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính… Đạo nghĩa dân tộc cũng như vinh danh “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người” đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa thiêng liêng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Để hoàn thành mục tiêu: “An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao” đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, tập trung giải quyết cơ bản những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách; rà soát, giải quyết những trường hợp tồn đọng, bảo đảm cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách chăm sóc một cách tối đa và ngày một tốt hơn. Các cấp ủy đảng, chính quyền có những giải pháp, biện pháp chăm lo thiết thực hơn nữa thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách; tiếp tục làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ…

Thứ hai, tiếp tục xã hội hóa sâu rộng việc thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Toàn dân tham gia chăm sóc người có công, trong đó, chính quyền các cấp cần giữ vai trò nòng cốt, đồng thời huy động sự tham gia, hỗ trợ sâu rộng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp.

Thứ ba, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở chú trọng thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, giáo dục truyền thống yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, làm cho các thế hệ người Việt Nam mãi khắc ghi những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và những người có công với cách mạng.

Thứ tư, các cấp, các ngành chức năng thành phố phối hợp với các quận, huyện, thị xã quan tâm công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến trong việc thực hiện chính sách người có công, vinh danh thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong lao động, sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội…

*
* *

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, với lòng biết ơn vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất đất nước và nguyện tiếp tục nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bằng tình cảm và trách nhiệm tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, góp phần làm cho đạo lý nhân văn tốt đẹp sáng mãi.

HOÀNG TRUNG HẢI
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội