Viết tiếp những “Bài ca không quên”

Chính trị - Ngày đăng : 10:56, 27/07/2017

(HNMO) - Trong những ngày tháng 7 này, hàng triệu, triệu trái tim người con đất Việt đang sống hôm nay đều bày tỏ tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của tổ quốc, cho đất nước trọn niềm vui thống nhất…

Đoàn cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đường 20 Quyết Thắng và hang Tám Cô. Ảnh: Phan Anh


Ký ức không quên

Thật may mắn khi chúng tôi được có mặt trong một chuyến đi ý nghĩa của đoàn cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới trong tháng 7 lịch sử này. Được đến thăm những địa chỉ đỏ, đến Vũng Chùa viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến thăm những trận tuyến đỏ lửa một thời tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Những địa danh như hang Tám Cô nơi tám thanh niên xung phong nằm lại đó sau trận bom Mỹ ác liệt, những người con trai, con gái đang độ thanh xuân bạt núi mở đường thông Đường 20 Quyết Thắng xuyên dãy Trường Sơn huyền thoại, đã để lại cảm xúc khó quên dù cho bất cứ ai đặt chân đến đây lần đầu hay nhiều lần.

Nghĩa trang Trường Sơn.


Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị), nơi đang chăm sóc hàng vạn ngôi mộ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho tổ quốc. Có những ngôi mộ có tên, nhưng phần lớn là những ngôi mộ vô danh. Điều đó cũng có nghĩa rất nhiều hài cốt các anh hùng, liệt sĩ vẫn chưa được về với gia đình, người thân mà tiếp tục nằm lại trên mảnh đất này. Đúng là máu xương các anh hùng liệt sĩ đã hòa lẫn vào cỏ cây, sông núi nơi đây, đã trở thành “hồn thiêng sông núi”.

Quảng Trị những ngày tháng 7 mưa tầm tã, nhưng nghĩa tình của người dân cả nước hướng về các anh hùng liệt sĩ đã bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong trận chiến 81 ngày đêm oai hùng, hay sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong đang nằm lại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... vẫn nồng ấm.

Ở mỗi địa danh, chúng tôi lại được nghe những câu chuyện, những ký ức về một thời bom đạn. Bác Trần Quang Đức (quê Hưng Nguyên, Nghệ An) trước đây ở đơn vị C9D9, E64, 320 của Tổng cục Hậu cần, tham gia chiến đấu từ khi 20 tuổi. Bác cho biết mình đã từng 2 lần bị thương khi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị vào ngày 28-6-1972 và 28-11-1972. Mỗi lần về lại Quảng Trị là bác lại trào nước mắt. Bao đồng đội của bác đã hy sinh ở đây. Có trận, chỉ trong một ngày đêm đơn vị có 700 người hy sinh. 

Bác Đức cho biết thêm: "Năm nào tôi cũng về thăm viếng đồng đội, mong các đồng đội yên giấc ngàn thu, phù hộ cho những người sống sót chúng tôi mạnh khỏe. Riêng tháng 7 này, tôi đã về Quảng Trị 3 lần". 

Viếng mộ 10 nữ thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh Hữu Tiệp


Khi đến với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi được trò chuyện cùng cô Nguyễn Thị Lân, Đại đội trưởng của đại đội 557 thuộc đội 55 P18 Thanh niên xung phong Hà Tĩnh - người Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cô vào thanh niên xung phong khi 21 tuổi.

Cô Lân kể rằng, năm 1968, Đại đội 557 từ trong chiến trường ra làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực được giao phụ trách làm đoạn đường Bắc Đồng Lộc trở ra đến cầu đôi Thượng Lộc. Đoạn đường này có 5 trọng điểm: Cầu đôi Thượng Lộc, cầu Trung Cốc, ngã ba Khiêm Ích, cầu Tối và Bắc Ngã ba Đồng Lộc.

Ở đoạn đường này, từ tháng 4 đến tháng 7 địch đánh phá ác liệt nên đội 55 điều đơn vị của 10 cô gái về ứng cứu, giao trực tiếp việc quản đoạn đường từ Bắc Đồng Lộc đi vào đây (đoạn các 10 cô gái hy sinh). Các cô được bố trí ra đoạn đường này để làm hầm tròn. Khi nghe tin 10 cô gái Đồng Lộc hy sinh, tất cả đều rất đau xót. Lúc đó, cô Lân đã huy động đại đội của mình đi tìm xác. Ban đầu chỉ tìm được 9 cô, mãi sau này mới tìm được cô Hồ Thị Cúc vì xác cô bị bom hất đi xa.

Cô Hồ Thị Hồng Xuân (70 tuổi), phường bến Thủy, Nghệ An, đơn vị nơi khác với 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc vừa nói vừa khóc: "Về thăm 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc rất cảm động, thấy mình may mắn khi vẫn còn được sống khỏe mạnh còn các cô ấy đã hy sinh. Năm nào, cứ đến dịp này là tôi lại cùng đồng đội đến đây thắp hương".

Viết tiếp những trang sử anh hùng

Dù chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng khi được đến thăm những địa danh lịch sử, ngàn người như một đều có chung một cảm xúc rưng rưng, thắp lên một nén nhang để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình cho độc lập dân tộc.

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, anh Phan Nam Khánh, cán bộ Đoàn Thanh niên Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến nghĩa trang Trường Sơn, cảm thấy vô cùng xúc động khi thấy có hơn 10 ngàn  ngôi mộ anh hùng liệt sĩ nằm lại mảnh đất này.

Các đoàn từ các tỉnh thành, các cựu chiến binh, đồng đội của các anh hùng, liệt sĩ đến đây làm lễ dâng hương rất thành kính. Là một đoàn viên thanh niên, anh Khánh luôn tự nhủ giữ vững tinh thần “khi cần thanh niên có, khi khó có thanh niên”, khi đất nước cần thanh niên sẽ sẵn sàng cầm súng lên đường, còn trong thời bình, thanh niên nguyện sống, học tập và làm việc hết sức mình cho đất nước.


Ông Hoàng Chí, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 – Quảng Trị cho biết, hiện tại nghĩa trang quản lý hơn 10 nghìn ngôi mộ liệt sĩ, hơn 60% là mộ không tên, chỉ có gần 1.000 ngôi mộ có tên nhưng không có địa chỉ. Vì vậy, trong công tác chăm sóc phần mộ, Nghĩa trang phải huy động toàn bộ anh em, mỗi người chăm sóc từ 600-700 ngôi, còn lại là huy động mọi nguồn lực, từ các tổ chức, các đoàn thể, tòa án, thanh niên, quân đội, công an đóng trên địa bàn, mỗi đơn vị nhận một khu mộ chung tay chăm sóc.

Ông Chí cho biết thêm, dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng thế hệ trẻ chỉ biết đến chiến tranh qua phim ảnh nên khi họ được đến những nơi như Nghĩa trang Đường 9 - họ sẽ cảm nhận được sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và họ cũng tiếp thu rất nhanh.

Bà Cẩm Thị Thiên Trang – Trưởng Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị nhận định, một điều đáng mừng là gần đây nhiều tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là đoàn thanh niên, trường học luôn có các hoạt động "uống nước nhớ nguồn", đó là một hoạt động giáo dục cho thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử rất tốt, rất hữu ích. Cũng chính vì vậy, đội ngũ cán bộ của Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị làm việc tích cực hơn để tuyên truyền đến các lớp thanh niên sau này những quá khứ lịch sử oai hùng của dân tộc. Để lớp trẻ sau này tôn trọng quá khứ, lịch sử, biết trân quý hòa bình của dân tộc để cống hiến tốt hơn cho đất nước.


Chị Lê Thị Tám – Hướng dẫn viên chính của Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị chia sẻ, chị đã làm việc tại đây 8 năm, mỗi ngày chị hướng dẫn khoảng 10 đoàn du khách đến thăm khu di tích và cho dù phải nói, thuyết minh liên tục cùng một câu chuyện, nhưng chị không hề thấy nhàm chán. Chị Tám khẳng định, đây là một công việc và cũng là niềm tự hào vì được đón những đoàn du khách, cũng như cựu chiến binh đến thăm phần nào cũng ấm lòng cho những linh hồn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu nơi đây.

"Tôi luôn thấy mình may mắn khi được sống trong thời bình, và luôn biết ơn sự hy sinh xương máu của các liệt sỹ. Khi tôi làm công việc của mình, tôi có cảm nhận mình như một chiếc cầu nối giúp thế hệ sau này hiểu hơn lịch sử và giá trị của cuộc sống hôm nay", chị Tám nói.

Đến với Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi khá bất ngờ khi ở bàn đón tiếp là một cô gái còn rất trẻ - chị Trương Thị Thúy sinh năm 1990. Chị Thúy chia sẻ, năm nay do là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ nên các đoàn khách về Nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc đông hơn mọi năm. Vài ngày trước, di tích cũng đã đón nhiều đoàn của các lãnh đạo Đảng, nhà nước và các đoàn khách đến từ mọi miền tổ quốc. Lượng người đổ về đây thăm viếng đông gấp 4-5 lần ngày thường nên Ban quản lý phải huy động tổng lực số người để đón tiếp.

Có ngày Thúy phải thức dậy và đi làm từ 6h sáng đến 6h chiều vẫn chưa được về vì các đoàn khách vẫn còn đông. Tuy là mệt nhưng các anh chị em ở Ban quản lý khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc vẫn rất nhiệt tình, không quản ngại mưa nắng. "Tôi cảm thấy rất tự hào vì được làm và phục vụ tại Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc – một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nên dù có mệt đến đâu, chúng tôi vẫn phục vụ du khách, phục vụ các chị ở đây, giữ cho nơi đây luôn sạch đẹp", chị Thúy nói.

Những tấm lòng thành kính của những người ngày đêm lặng lẽ chăm sóc phần mộ của các anh hùng liệt sĩ đang viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.

Tuyết Minh - Lệ Quyên