Thay đổi thói quen
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 28/07/2017
Đã có nhiều con số gây “sốc” về việc sử dụng phân bón ở nước ta. Phần lớn, đất và cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 30% - 50% lượng phân bón, phần còn lại bị rửa trôi ra nguồn nước và hòa tan vào không khí. Không chỉ gây ô nhiễm, lượng phân bón sử dụng không hiệu quả còn khiến hàng chục nghìn tỷ đồng của nông dân bị “phân hủy” mỗi năm. Đây là nghịch lý bởi với nguồn lực còn đang rất khó khăn của ngành Nông nghiệp thì số tiền thiệt hại nêu trên là sự hoang phí không đáng có! Chưa kể, sức khỏe giống nòi cũng theo đó âm thầm bị tàn phá…
Tình trạng này rõ ràng đã, đang gây hậu quả khôn lường, nhưng để ngăn chặn hiệu quả lại không đơn giản.
Với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, phần lớn nông dân chỉ biết canh tác dựa vào kinh nghiệm. Suy nghĩ đơn giản, cảm tính, "bệnh nặng thì tăng liều, muốn sai hoa, trĩu quả thì thúc thêm phân"… là phương thức sản xuất thiếu khoa học, có phần bị động của không ít nông dân hiện nay.
Để khắc phục, cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ cho nông dân, nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Vì sao nhiều người dân vẫn mãi chưa chịu thay đổi phương thức canh tác tiềm ẩn bất lợi đó?
Trên thực tế, năm nào ngành Nông nghiệp cũng tổng kết đánh giá về hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… nhưng thực chất hiệu quả mang lại còn mờ nhạt. Để rồi nông dân chưa sẵn sàng vận dụng những cái mới, cái tích cực vào canh tác và "vô tư" làm theo thói quen cũ. Điều này cho thấy, những cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp ở cơ sở, lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp cần thể hiện rõ vai trò “đầu tàu”, “cầm tay chỉ việc”, tăng tính trách nhiệm trong đôn đốc, kiểm tra sản xuất ngay trên đồng ruộng. Những chủ thể này phải xem việc sản xuất của nông dân là việc của mình. Muốn vậy, cần xây dựng cơ chế đãi ngộ hợp lý cho họ. Bởi, đầu tư cho việc này là đầu tư cho tương lai, nhằm đem đến sự thay đổi căn bản, toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, ở góc độ vi mô là của các nông hộ.
Hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Thực tế cho thấy, cho dù có khuyến cáo với đủ chế tài, biện pháp xử lý, nhưng với một “rừng” phân bón như hiện nay thì xem ra người nông dân khó đủ “thông thái” khi chọn sản phẩm phù hợp. Chưa kể, khi mua phải phân bón giả, kém chất lượng, người dân đành phải tăng "liều" sử dụng khi không đạt hiệu quả trong sản xuất.
Việc tuyên truyền kiến thức, cách sử dụng phân bón cần thực hiện theo hướng dễ hiểu nhất, phù hợp với từng vùng, miền cũng là điều rất quan trọng. Phải làm cho người dân hiểu việc bón phân ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái chứ không chỉ ảnh hưởng đến ruộng của riêng mình. Doanh nghiệp sản xuất phân bón có sự “bắt tay” thực chất hơn với nông hộ để người dân hiểu cách sử dụng phân bón hiệu quả và tiết kiệm. Khi người dân thấy rõ lợi ích cho bản thân, họ sẽ thêm quyết tâm thay đổi tập quán sản xuất cũ.
Cùng với hành động có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, gốc rễ để thay đổi thói quen lạm dụng phân bón chính là ý thức của mỗi người dân. Chỉ có như vậy mới có thể hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.