Cuộc chiến không khoan nhượng

Thế giới - Ngày đăng : 06:20, 28/07/2017

(HNM) - Theo các số liệu chính thức, hiện khu vực Đông Á và Đông Nam Á có hơn 3 triệu người sử dụng heroin, 5 triệu người sử dụng các loại ma túy tổng hợp.


Trong khi đó, các băng nhóm ma túy vẫn tìm mọi cách để mở rộng quy mô sản xuất, buôn bán. Riêng khu vực Tam giác vàng (rộng 950.000km2) nằm giữa ba nước Myanmar, Lào và Thái Lan vẫn là một trung tâm sản xuất heroin, aphetamin lớn. Trong vòng 8 năm qua, đã có 168 loại ma túy mới được điều chế tại đây, trong đó gồm cả những loại sử dụng nguyên liệu chưa bị cấm, trở thành thách thức rất lớn đối với công tác phòng chống ma túy của các nước trong khu vực. Ngoài hoạt động sản xuất, khu vực Đông Nam Á cũng đang chịu tác động không nhỏ của hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ các khu vực khác trên thế giới.

Các nước ASEAN thống nhất cao trong nỗ lực quét sạch nạn ma túy ra khỏi khu vực.


Để đối phó với thực trạng trên, các quốc gia trong khu vực đã đẩy mạnh chia sẻ thông tin, hợp tác triệt phá nhiều đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia và đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự phức tạp cũng như lợi nhuận khổng lồ của ngành kinh doanh này khiến cuộc chiến chống cái chết trắng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia.

Đây cũng là nội dung quan trọng của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 38 về vấn đề ma túy (ASOD 38) vừa kết thúc tại Hà Nội. Với 19 đoàn đại biểu cấp cao của cơ quan phòng, chống ma túy 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối thoại, hội nghị đã cập nhật tiến độ triển khai các hoạt động và sáng kiến hợp tác theo tinh thần Hội nghị ASOD 37 tại Thái Lan; tiến độ triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về phấn đấu bảo vệ Cộng đồng chống lại tệ nạn ma túy giai đoạn 2016-2025; đề xuất các ý tưởng dự án hợp tác mới của ASEAN; thông qua Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Tam giác vàng giai đoạn 2017-2019.

Đại diện các nước thống nhất rằng hợp tác ASEAN trong phòng, chống ma túy đang ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và thiết thực hơn. Trước đó, tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu năm 2016, ASEAN đã đạt được sự đồng thuận cao khi đưa ra Tuyên bố chung về vấn đề ma túy. Qua đó, ASEAN đã khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán, thể hiện thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy.

Những nỗ lực riêng của mỗi nước cũng thể hiện rõ nét. Điển hình như Thái Lan đã triển khai các đội đặc nhiệm tại sân bay, bến cảng nhằm ngăn chặn các con đường buôn lậu ma túy. Nước này cũng kết hợp với các thành viên ASEAN xây dựng mạng lưới giám sát những tuyến đường buôn bán ma túy, triển khai các dự án giám sát tại cảng biển. Myanmar hiện là nước sản xuất các chất ma túy lớn nhất thế giới (theo báo cáo của Liên hợp quốc) cũng đã triển khai những chiến lược, dự án cụ thể để khống chế, kiểm soát việc vận chuyển ma túy từ Tam giác vàng.

Về phần mình, Việt Nam đã nỗ lực hợp tác với Thái Lan, Lào, Myanmar để ngăn chặn luồng vận chuyển tiền chất ma túy vào khu vực Tam giác vàng và ma túy đi ra từ đây. Việt Nam cũng tập trung đấu tranh với tệ nạn ma túy thông qua nhóm các giải pháp đồng bộ về giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy như kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tệ nạn ma túy; đa dạng và xã hội hóa các mô hình điều trị cai nghiện, quản lý chặt các hoạt động hợp pháp về ma túy; triệt phá và thay thế cây có chứa chất ma túy.

Do đặc thù địa hình, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong khu vực, chắc chắn việc triệt phá các điểm sản xuất, các đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy vẫn còn nhiều thách thức. Thực trạng này đòi hỏi mỗi quốc gia trong ASEAN xây dựng các chương trình hành động riêng, đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện với các thành viên khác trong khối hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ma túy.

Hoàng Linh