Truyền hình thực tế dành cho người mẫu: Mặt trái hay trò cười

Văn hóa - Ngày đăng : 15:13, 28/07/2017

(HNMO) - Gần đây, hàng loạt chương trình truyền hình thực tế của giới người mẫu khiến khán giả ngán ngẩm vì những hành xử thiếu văn hóa.

Các giám khảo trong Vietnam' Next Top Model mùa thứ 8 luôn giữ thái độ hằm hè nhau.


Truyền hình còn thiếu văn hóa thì dạy ai?

Văn hóa ứng xử của thí sinh trong các chương trình truyền hình thực tế đã được đặt ra từ lâu, khi mà các nhà sản xuất và nhà đài khai thác tối đa mâu thuẫn của thí sinh với thí sinh, thí sinh với giám khảo và giữa các giám khảo với nhau để thu hút người xem. Không ngẫu nhiên mà rất nhiều lần khán giả truyền hình phải chứng kiến cảnh thí sinh cãi vã, mắng mỏ nhau trên sóng truyền hình; các giám khảo mặt mũi căng thẳng, cố tình phát ngôn theo kiểu khiêu khích, chê bai nhau.

Mùa The Face (Gương mặt thương hiệu) đầu tiên, khán giả không ít lần chứng kiến mâu thuẫn giữa huấn luyện viên (HLV) Phạm Hương và Lan Khuê, có những video quay cận cảnh Lan Khuê bĩu môi, cáu kỉnh khi Phạm Hương hướng dẫn thí sinh; HLV Hồ Ngọc Hà tỏ thái độ khinh khỉnh khi học trò của mình thua “đàn em”. Các thí sinh tham gia sân chơi này cũng không ít lần chỉ trích nhau vì những lý do rất đơn giản. Sau mùa đầu tiên của The Face, điều đọng lại với khán giả là những mâu thuẫn, ứng xử của người chơi nhiều hơn tài năng của họ trong vai trò làm mẫu.

Các thí sinh cãi vã, hành xử dữ tợn trên sóng truyền hình.


Sân chơi Vietnam Next’s Top Model trải qua 7 mùa thi và bắt đầu luẩn quẩn với “chiêu trò” cũ. Sau 7 mùa phát sóng, những mô-típ quen thuộc của chương trình đã không còn hấp dẫn khán giả. Các “chiêu” như đưa hình ảnh phản cảm, tức cười của những thí sinh chuyển giới; khai thác giấc mơ nổi tiếng của những thí sinh cao, gày, chân quê; hay bắt thí sinh phải trải qua nhiều thử thách khó, đôi khi khiến thí sinh sợ phát khóc khi phải diễn với rắn, đi giày cao gót trên sàn trơn trượt… đã nhàm chán.

Năm nay, phiên bản mới của chương trình có tên All Stars những tưởng sẽ mang đến sự mới mẻ cho chương trình khi truyền thông giới thiệu dàn thí sinh tham gia chương trình là những người mẫu chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay từ những tập phát sóng đầu tiên, cách ứng xử của các thí sinh khiến khán giả từ ngỡ ngàng đến bất bình. Vụ việc đội thắng bắt đội thua bóp chân; thí sinh quát mắng nhau, ném đồ, hắt nước vào mặt nhau; hai giám khảo Nam Trung và Hoàng Yến thường xuyên có cử chỉ, lời nói, hành động khiêu khích, xúc phạm nhau… đã phơi bày công khai trên truyền hình.

Thùy Dương bắt Chà Mi bóp chân khi ở nhà chung.


Ngay khi vụ việc thí sinh hành xử nhau bằng bạo lực trên sóng truyền hình, rất nhiều độc giả bảy tỏ sự tức giận vì những cử chỉ vốn được cho là vô văn hóa lại được ngang nhiên lên sóng truyền hình quốc gia. Truyền hình vồn là kênh thông tin, giải trí để lan tỏa những hình ảnh đẹp lại cho phép những cách hành xử “chợ búa”, lối sống thực dụng, ích kỷ trên sóng “giờ vàng”; một cuộc thi lấy danh tìm kiếm tài năng lại tạo kịch tính để thí sinh mạt sát, hành hạ nhau… thì khán giả được ích lợi gì từ những chương trình ấy?

Lỗi tại ai?

Nghề người mẫu vốn được xem có nhiều mặt trái, lắm thị phi bởi sự cạnh tranh khốc liệt. Giới người mẫu cũng bị mang tiếng là “chân dài óc ngắn”, ám chỉ những cô gái chỉ đẹp về hình thức nhưng hạn chế về kiến thức và hành xử văn hóa. Những chương trình truyền hình thực tế về giới mẫu trước khi lên sóng đã đưa ra rất nhiều tiêu chí, trong đó bày tỏ mong muốn cho khán giả xóa đi những ác cảm với nghề này bằng cách chứng minh các cô gái phải nỗ lực, cố gắng học hỏi rất nhiều để trở thành một người mẫu chuyên nghiệp.

Những mâu thuẫn, cách hành xử có phần “côn đồ”, thiếu văn hóa của giới người mẫu trong các chương trình truyền hình thực tế không phải không có thật ở ngoài đời sống. Ngay khi vụ việc thí sinh hành xử thiếu văn hóa trên truyền hình phơi bày công khai trước “bàn dân thiên hạ”, đã có rất nhiều người mẫu cho rằng, điều này đã phản ánh phần nào sự thật sau cánh gà của giới mẫu.

Nhiều người mẫu như Hồng Quế, Trang Khiếu cho biết, thực tế của nghề người mẫu cạnh tranh rất khắc nghiệt. Để có được vị trí vedette (tạm hiểu là vị trí trung tâm, quan trọng nhất của đêm diễn), nhiều người phải trải qua nhiều thử thách, cạnh tranh mà ở đó có cả máu và nước mắt. Trong hậu trường của nghề này, từng có chuyện người mẫu giấu đồ của bạn diễn, người mẫu mới bị “đàn chị” bắt nạt, cạch mặt không cho diễn cùng…

Tuy nhiên, những cách hành xử kiểu này chỉ là thiểu số và thường nó hay diễn ra ở lứa thế hệ người mẫu mới có nhiều tham vọng và muốn nổi tiếng nhanh bằng mọi giá.

Các chương trình truyền hình thực tế đang khai thác ở góc độ xấu xí của người mẫu.


Trở lại với chương trình truyền hình thực tế, những vụ việc đấu khẩu, ánh mắt sắc lạnh giữa các thí sinh, giữa các giám khảo dành cho nhau khiến rất nhiều khán giả bày tỏ sự ngán ngẩm, ngay trong giới mẫu cũng có không ít thế hệ người mẫu kỳ cựu bày tỏ thái độ xót xa khi nghề nghiệp của mình bị khai thác theo chiều hướng xấu xí.

Siêu mẫu Xuân Lan cho biết: “Tôi đau lòng khi thấy hình ảnh nghề mẫu bị bóp méo trong nhiều gameshow”. Theo cựu siêu mẫu này, rất nhiều thí sinh đang tham gia cuộc thi trên truyền hình là học trò của cô, ở ngoài họ có cá tính riêng nhưng không đến nỗi dữ tợn và xấu xí như vậy.

Cựu siêu mẫu bày tỏ, các nhà sản xuất chương trình có tính toán riêng để tăng lượng rating. Đôi khi vì lợi nhuận, họ đã không tập trung nhiều vào phần chuyên môn mà khai thác tối đa những mâu thuẫn của thí sinh. Qua bàn tay biên tập, những mâu thuẫn khi lên sóng truyền hình có thể sẽ bị đẩy lên cao trào, thí sinh phơi bày những cách hành xử thô lỗ, ích kỷ, đấu đá nhau một cách thiếu văn hóa.

Ngay cả các HLV, bên ngoài đời họ là những người bạn khá thân thiết nhưng khi lên sóng truyền hình, để “nhập vai” là những người cá tính, sắc sảo cho đúng tiêu chí của chương trình, họ buộc phải ghê gớm với nhau bằng những câu nói, ánh mắt làm tổn thương nhau trước sự chứng kiến của khán giả truyền hình.

Đài Truyền hình Việt Nam đang “mở cửa” để rất nhiều chương trình truyền hình thực tế có format nước ngoài tung hoành. Có những chương trình mang tính giải trí cao, thu hút nhiều người xem nhưng có không ít chương trình nhà Đài đã không thể kiểm soát được nội dung cũng như tính chất chân thực của truyền hình thực tế. Những câu chuyện thí sinh cãi vã, hất nước, chỉ tay vào mặt nhau… có thể có thật ở ngoài cuộc sống nhưng có lẽ nó chỉ diễn ra ở một số đối tượng nhỏ lẻ, nhưng khi lên sóng truyền hình với độ phân khúc thị trường rộng lớn, nhiều đối tượng khán giả ở mọi lứa tuổi xem… thì nó lại trở thành điển hình.

Nghề mẫu vốn đã lắm thị phi, khi lên sóng truyền hình với hình ảnh xấu xí ấy, những người mẫu sẽ được gì, kể cả khi họ đăng quang?

Hoàng Lân