Hà Nội: Sở Tài chính và quận Long Biên đạt điểm cao nhất về chỉ số CCCH năm 2016

Đời sống - Ngày đăng : 14:49, 28/07/2017

(HNMO) - Chiều 28-7, Hà Nội đã công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" UBND phường Đức Giang, quận Long Biên. Ảnh: Duy Linh/Nhân dân


Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, chỉ số này là công cụ để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả công tác CCHC. Đối với Hà Nội, việc xác định chỉ số CCHC nhằm đánh giá mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện công tác CCHC của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã, qua đó giúp cho các cơ quan, đơn vị có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp trong triển khai CCHC hằng năm.

Chỉ số CCHC các sở, cơ quan ngang sở gồm 9 lĩnh vực và 103 tiêu chí thành phần.

Chỉ số CCHC đối với UBND quận, huyện, thị xã gồm 9 lĩnh vực, 36 tiêu chí và 119 tiêu chí thành phần.

Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị được xác định trên cơ sở điểm do Hội đồng thẩm định đánh giá, chấm điểm và điểm qua điều tra xã hội học. Tổng điểm tối đa là 100 điểm. Trong tháng 7-2017, Hội đồng đã họp để thẩm định, công nhận kết quả xác định chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị và trình UBND TP phê duyệt và công bố.

Kết quả cụ thể, với khối các sở, cơ quan ngang sở, Sở Tài chính đứng đầu với 91,12 điểm và lọt vào nhóm đầu với chỉ số đạt từ 90% trở lên.

Nhóm 2 gồm các đơn vị có chỉ số từ 85% đến 90% gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nhóm 3 gồm các đơn vị có chỉ số từ 80% đến dưới 85%: Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Ngoại vụ.

Nhóm 4 gồm: Sở Du lịch, Thanh tra Thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao, Ban Dân tộc, có chỉ số từ 75% đến dưới 80%.

Tại khối các quận, huyện, thị xã: Quận Long Biên với tổng điểm đạt 93,47, đứng đầu trong nhóm đơn vị đạt kết quả chỉ số trên 90%. Trong nhóm này còn có quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm.

Nhóm các đơn vị đạt kết quả chỉ số từ 8% đến dưới 90% gồm 13 quận, huyện thị xã. Nhóm các đơn vị đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 85% gồm 13 quận, huyện, thị xã. Nhóm cuối cùng, duy nhất chỉ có huyện Phú Xuyên đạt chỉ số CCHC dưới 80% (77,30%).

Cũng tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đã báo cáo kết quả khảo sát xác định chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính TP Hà Nội năm 2016.

Khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nhằm đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội năm 2016 đối với 4 nhóm dịch vụ hành chính: Lao động việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; người có công; bảo trợ xã hội.

Nội dung, tiêu chí khảo sát gồm 6 yếu tố: Tiếp cận thông tin về dịch vụ hành chính; điều kiện cơ sở vật chất tiếp đón và phục vụ; thủ tục hành chính; sự phục vụ của cán bộ, công chức; kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước; việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi. Đơn vị được khảo sát là Sở Lao động - Thương binh và xã hội và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Tổng số mẫu khảo sát là 12.200 phiếu.

Kết quả khảo sát thực hiện năm 2016 cho thấy, cá nhân và tổ chức khá hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính đối với 4 nhóm dịch vụ hành chính được khảo sát. Cụ thể, nhóm dịch vụ hành chính lĩnh vực lao động việc làm: 67,80%; lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp: 84,41%; lĩnh vực người có công: 81,44%; lĩnh vực bảo trợ xã hội: 73,89%. Trong đó, cả 6 tiêu chí đánh giá nhóm dịch vụ hành chính lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp đều có chỉ số hài lòng ở mức “tốt”. Tiêu chí về việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi được đánh giá cao nhất (88,47%).

Kết quả khảo sát cũng cho biết, một số gợi ý của người dân về các nội dung cần cải tiến để nâng cao mức độ hài lòng như: Tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đơn giản hóa giấy tờ, giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi cho người lao động khi giải quyết thủ tục hành chính; bộ phận “một cửa” nên bố trí thêm cán bộ tiếp công dân, tránh tình trạng để công dân phải chờ lâu; linh động hơn trong các tình huống khi người dân đến liên hệ công tác có thiếu các giấy tờ liên quan…

Bảo Hân