Nhiều ý kiến trái chiều về tăng lương tối thiểu vùng năm 2018

Đời sống - Ngày đăng : 15:09, 28/07/2017

(HNMO) - Sáng 28-7, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 để bàn, thương lượng về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Đây là phiên họp kín, đại diện các cơ quan truyền thông không được trực tiếp tham dự phiên họp.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.


Trả lời bên lề cuộc họp, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, khác với phiên họp lần thứ nhất, phiên họp lần này các thành viên trong hội đồng, đặc biệt là người sử dụng lao động và người lao động đã rất thiện chí trong quá trình thương lượng để xác định mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2018. Ở phiên họp lần thứ nhất, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là hơn 13%, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất tăng dưới 5%, khoảng cách chênh lệch giữa các bên lên tới hơn 8%. Sau phiên họp thứ 2, khoảng cách chênh lệch giữa các bên đã giảm xuống.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, trong các cuộc họp về tăng lương tối thiểu, các bên liên quan đều có những lợi ích nhất định. Nhà nước mong muốn thị trường lao động vận hành lành mạnh, người lao động có thu nhập và doanh nghiệp phát triển. Người lao động kỳ vọng cải thiện lợi ích tiền lương cao nhất. Doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tích luỹ phục vụ sản xuất, tạo giá trị thặng dư. Tuy vậy, Luật Lao động đã quy định rõ, mức lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động, cho nên việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là tất yếu.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, kết quả thống kê về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 tươi sáng hơn năm 2016. Vì vậy không có lý do gì mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thấp hơn năm 2017. Để lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2018, thì mức tăng phải là 13,3%, thấp nhất cũng phải tăng hơn 10%.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam lại cho rằng: Quan điểm của Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam là làm sao tăng năng suất lao động, từ đó tạo ra nguồn thu nhập lớn hơn, làm sao để “chiếc bánh” lợi nhuận được chia sẻ hài hòa.

Với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7%, doanh nghiệp phải tăng các chi phí khác lên 3% nữa. Như vậy, tổng chi phí cho người lao động trong các doanh nghiệp phải tăng trên 10%. Đây là vấn đề không dễ giải quyết đối với doanh nghiệp. Bởi vậy, chúng tôi luôn ủng hộ người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng nhau tạo ra năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.


Còn theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì nếu nâng lương tối thiểu quá cao, doanh nghiệp sẽ tính đến chuyện cơ cấu lại và một bộ phận người lao động đang có việc làm sẽ mất việc. Như vậy, tăng lương tối thiểu quá cao có thể nảy sinh vấn đề xã hội khác là thất nghiệp.

Các yếu tố quyết định đến tăng lương tối thiểu là năng suất lao động, CPI, GDP, chất lượng việc làm, khả năng chi trả, nhu cầu sống tối thiểu, tất cả các yếu tố này cộng lại nếu khỏa lấp thì lương tối thiểu mới đạt được như mong muốn. Mặc dù các doanh nghiệp đã gần đạt được các chỉ số nêu trên, nhưng đại đa số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử…

Theo công bố của cơ quan chức năng, năm 2016 nước ta có 93,4 triệu người, trong đó có 54,4 triệu người trong độ tuổi lao động, những người có hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp và các hợp tác xã chỉ chiếm 17,35%. Như vậy, lương tối thiểu điều chỉnh thì những yếu tố khác của xã hội cũng phải điều chỉnh theo, tác động không nhỏ đến đời sống của người lao động.

Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là lương tối thiểu hiện nay là chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Song, với những vấn đề đã nêu, tôi cho rằng việc tăng lương tối thiểu lên mức bao nhiêu cần tiếp tục bàn bạc, cân nhắc.

Dự kiến, phiên họp lần thứ 3 sẽ diễn ra đầu tháng 8 tới. Đó cũng là phiên họp cuối cùng để chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 để Hội đồng Tiền lương quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Minh Ngọc