Hạnh phúc khi có nhiều... mẹ!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:16, 28/07/2017

(HNM) - “Ngoài mẹ đẻ và mẹ chồng, tôi còn có 6 người mẹ nữa. Đó là những người mẹ trong Nhà tình nghĩa của quận Đống Đa mà tôi đã chăm sóc 27 năm qua và mang lại cho tôi niềm hạnh phúc...” - chị Kha “khoe”, giọng rất đỗi tự hào.


"Con gái" hiếu thảo

Tôi đến gặp chị Ngô Thị Kha ở Nhà tình nghĩa của quận Đống Đa đúng lúc hai vợ chồng chị chuẩn bị đưa Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Nhung đi khám tai và mua dụng cụ trợ thính. Chị sắp sẵn áo, mũ, khéo léo đỡ mẹ lên xe ngồi cẩn thận và không quên dặn dò: “Mẹ nhớ bám chặt vào anh Phúc kẻo ngã nhé!”. Mẹ Nhung cười vẻ mặt hiền từ: “Được rồi, lúc nào chị cũng coi tôi như đứa trẻ lên ba...”. Quay sang tôi, chị Kha nói: “Nhờ trời, cụ vẫn khỏe và minh mẫn lắm!”.

Chị Ngô Thị Kha chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Nhung từng bữa ăn, giấc ngủ.

Từ 27 năm nay, người dân sống ở khu này đã quen với sự có mặt và những công việc mà chị Ngô Thị Kha thường làm hằng ngày để chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Nhung - người có con trai duy nhất là liệt sĩ, cùng 5 mẹ khác là vợ liệt sĩ.

Năm 1990, khi chị Ngô Thị Kha đang là cô nuôi dạy trẻ Trường Mầm non Văn Hương thì quận Đống Đa quyết định xây dựng Nhà tình nghĩa. Sau khi hoàn thành, quận đã đón các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, vợ liệt sĩ về đây chăm sóc và các giáo viên Trường Mầm non Văn Hương được giao nhiệm vụ vinh dự này, trong đó có chị Kha. Ban đầu, như nhiều giáo viên khác, mỗi tuần, chị Kha đến chăm sóc các mẹ một lần, rồi sau đó tình nguyện làm việc tại đây và trở thành người thân của các mẹ.

“Tôi luôn coi các mẹ như người mẹ của mình. Vì Tổ quốc, các mẹ đã mất đi người con, người chồng thân yêu nên tôi luôn tự nhủ, phải làm việc gì đó xứng đáng với những hy sinh đó”. Từ suy nghĩ ấy, ngày nào chị Kha cũng có mặt ở Nhà tình nghĩa để chăm sóc các mẹ. “Tôi thường dậy lúc 5h sáng, đi chợ, mua những thực phẩm phù hợp với sức khỏe người già, về nấu ăn sáng cho các mẹ. Nhiều buổi trưa, buổi tối, tôi ở lại, ăn cùng các mẹ cho vui. Mỗi dịp lễ, Tết, tôi đều nấu các món ngon mang biếu các mẹ. Vì thế, các mẹ rất quý mến và tôi rất hạnh phúc khi có nhiều mẹ” - chị Kha bộc bạch.

Nói về công việc hằng ngày, chị Ngô Thị Kha chia sẻ: Mỗi mẹ mỗi tính, để làm vừa lòng không phải dễ, nên phải biết lựa. Mẹ Nhung vốn có sức khỏe tốt, minh mẫn lại vui tính. Mẹ tuy nặng tai, nhưng rất thích trò chuyện. Mẹ hay kể về người con trai duy nhất - liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, tham gia chiến đấu giúp nước bạn Lào và hy sinh năm 1965 khi tròn 20 tuổi. Chị Kha nhớ lại: "Cách đây hai năm, sau khi đi dự hội nghị kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 về, mẹ bỗng nhiên bị mệt khiến cả hai vợ chồng tôi phải chạy đôn chạy đáo. Trời thương, mẹ nhanh khỏe lại, tôi rất mừng. Nhiều khi tôi không dám ở nhà lâu, vì nơm nớp lo mẹ ở một mình. Có khi cả nhà đang ăn cơm, nghe điện thoại của mẹ kêu mệt là hai vợ chồng buông đũa chạy đi ngay”.

Trước đây ở Nhà tình nghĩa còn có mẹ Nguyễn Thị Gái, lấy chồng nhưng chưa có con thì chồng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hay mẹ Đào Thị Hồi, vợ liệt sĩ, cũng chưa một lần được làm mẹ. “Các mẹ không những mất đi chỗ dựa là người chồng mà còn thiếu thốn tình cảm của những đứa con. Đó là lý do khiến tôi tình nguyện làm công việc này, với mong muốn sẻ chia nỗi buồn, nhân lên niềm vui, giúp các mẹ sống hạnh phúc hơn” - chị Kha tâm sự.Biết các mẹ hay tủi thân, nên chị Kha luôn gần gũi hỏi han, tâm sự... Tuổi đã cao nên các mẹ hay đau nhức xương cốt, chị Kha tận tình xoa bóp. Nếu thấy sức khỏe các mẹ có biểu hiện khác lạ, chị vội vàng gọi bác sĩ tới khám, rồi tất tả đi mua thuốc… Khi các mẹ trăm tuổi già, chị đều đưa về quê quán an táng chu đáo, làm tròn trách nhiệm của người "con gái" hiếu thảo.

Mong có sức khỏe để phụng dưỡng mẹ

Đang trò chuyện với tôi, thấy mẹ Nhung đi khám bệnh trở về, chị Kha chạy vội ra đón. Mẹ Nhung bảo: “Năm nay 95 tuổi rồi. Mẹ khỏe được đến ngày hôm nay là nhờ chị Kha chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, viên thuốc đấy. Kha là con gái có hiếu, lo cho mẹ rất chu đáo, nhất là những lúc đau ốm bệnh tật. Chính nhờ đó mà mẹ sống vui, sống khỏe”. Nói rồi, mẹ Nhung trìu mến nhìn “con gái” mình.

Đôi mắt của người mẹ anh hùng tuy không còn tinh anh như hồi trẻ, nhưng luôn ánh lên niềm hạnh phúc, bởi trong suốt những năm qua, mẹ đã được sống trong sự quan tâm, chăm sóc chu đáo. Trong ngôi nhà tình nghĩa này, ngoài mẹ Nhung còn 5 mẹ là vợ liệt sĩ cũng nhận được sự chăm lo chu đáo từ chị Kha. Đến nay, cả 5 mẹ là vợ liệt sĩ đều đã về với cõi tiên, vì thế chị Kha dồn hết tâm lực chăm lo cho mẹ Nhung.

Trong suốt 27 năm đảm nhận công việc chăm sóc các mẹ, chị Kha luôn tâm niệm, đó là niềm vinh dự, là trách nhiệm, thể hiện sự tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những việc làm của chị Ngô Thị Kha đã được UBND quận Đống Đa ghi nhận và được UBND thành phố biểu dương là Gương điển hình tiên tiến trong phong trào "Người tốt việc tốt năm 2016".

Đánh giá về những đóng góp âm thầm của chị Ngô Thị Kha, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội quận Đống Đa Võ Thị Tuyết Nga cho biết: “Chị Kha thực sự là một người phụ nữ nhân hậu. Bao nhiêu năm qua, chị đã tận tâm, hết lòng chăm sóc các mẹ như mẹ đẻ của mình. Lúc các mẹ ốm đau, trái nắng trở trời đều một tay chị lo toan. Tấm lòng và việc làm của chị thật cảm động và đáng để mọi người học tập, làm theo”.

Khi tôi chào tạm biệt Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Nhung để ra về, mẹ nắm tay tôi dặn: “Thỉnh thoảng qua đây chơi với mẹ cho vui nhé”. Tiễn tôi xuống cầu thang, chị Ngô Thị Kha vui mừng nói: "Năm nay, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, khắp nơi tổ chức các hoạt động tri ân người có công với cách mạng. Mẹ Nhung cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, chăm lo chu đáo của các cấp, các ngành. Về phần mình, tôi chỉ mong luôn có đủ sức khỏe để phụng dưỡng mẹ đến cuối đời”. Cũng như bất cứ người con hiếu thảo nào, trong sâu thẳm chị Ngô Thị Kha luôn cầu mong: Cha mẹ khỏe mạnh, sống lâu!

Dương Linh