CPI trong tầm kiểm soát?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 28/07/2017
Người dân tới mua sắm tại siêu thị VinMart. |
Thị trường ổn định
Theo chỉ tiêu Quốc hội thông qua, mức lạm phát năm 2017 là dưới 4%. Trong khi đó, CPI tháng 6 vừa qua giảm 0,17% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2016. Và trên thực tế, CPI diễn ra theo hướng có tăng, có giảm đan xen qua các tháng chứ không tăng đều.
Phân tích các yếu tố và chỉ số thành phần tác động đến CPI thời gian qua cho thấy, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có xu hướng giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, do sản xuất nông nghiệp ổn định, bảo đảm nguồn cung dồi dào để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội. Nói cách khác, nhóm hàng ăn và lương thực, thực phẩm không còn là nhân tố kích đẩy CPI tăng một cách bất hợp lý như giai đoạn cách đây một thập niên.
Nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục diễn biến theo “kịch bản” không tăng hoặc giảm nhẹ qua từng tháng, với nguyên nhân chủ yếu là do sự có mặt của nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thị trường trong nước và có cạnh tranh thật sự. Chỉ số nhóm giao thông thường tăng hoặc giảm thuận theo chiều của giá xăng dầu, trong khi giá xăng dầu có tăng, giảm đan xen từ đầu năm đến nay nên chỉ số này tương đối ổn định.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, một yếu tố quan trọng góp phần kích đẩy CPI tăng là Nhà nước cho phép thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí giá thành dịch vụ y tế và giáo dục của các cơ sở công lập. Đây cũng là thực tế lý giải chỉ số nhóm y tế, giáo dục vẫn có mức tăng khá đều qua các tháng.
Chủ động theo dõi, đối phó
Để bảo đảm kiểm soát CPI theo yêu cầu, các chuyên gia cho rằng, trước hết, các cơ quan và chính quyền địa phương cần theo sát tình hình, kịp thời có biện pháp ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cung - cầu thị trường lương thực, thực phẩm; có phương án kết nối sản xuất - cung ứng, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm khi vào chính vụ hoặc có sự thay đổi đột ngột về nhu cầu thị trường...
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cơ quan quản lý cần rà soát, cân nhắc thời điểm cho điều chỉnh tăng giá đối với một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý để kiềm chế đà lan tỏa, gây áp lực tăng CPI; theo dõi, làm tốt công tác dự báo, tham mưu cho Chính phủ trong việc đối phó với những diễn biến phức tạp về giá nông sản, giá xăng dầu thế giới; khuyến cáo doanh nghiệp ký hợp đồng vào những thời điểm thuận lợi về giá, qua đó góp phần bình ổn thị trường trong nước.
"Các lực lượng quản lý thị trường chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nạn buôn lậu, hàng giả để bảo vệ doanh nghiệp chân chính cũng như người tiêu dùng, kết hợp phòng, chống hành vi găm hàng, gây sốt ảo, khan hiếm hàng cục bộ. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tạm trữ, bình ổn giá, kết hợp tuyên truyền thói quen sử dụng hàng Việt... vì đây cũng là giải pháp để kiểm soát lạm phát" - bà Vũ Thị Thu Thủy nhìn nhận.
Tại phiên họp đánh giá công tác điều hành giá vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2017 có thể đạt được. Nhận định này cũng được các chuyên gia đồng thuận với quan điểm, nếu không xuất hiện một số yếu tố bất thường, bất lợi, bất khả kháng như thiên tai, sự tăng giá dầu đột ngột và ở mức cao trên thị trường quốc tế, thì nhìn chung tình hình sẽ trong vòng kiểm soát. Vì thế, CPI cả năm 2017 sẽ tăng không quá 4%.
CPI là một trong những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu trong bảng hệ thống các chỉ tiêu kinh tế; thể hiện giá trị của đồng tiền cũng như sức mua của cả xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, thu nhập bình quân của người dân chưa cao thì việc hạn chế, kiểm soát lạm phát luôn là yêu cầu hàng đầu nhằm ổn định đời sống xã hội.