Ứng xử với “báu vật nhân văn sống”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:57, 30/07/2017
Vì sao lại có sự chậm trễ này?
Công ước UNESCO năm 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ghi danh những người lưu truyền di sản văn hóa dân gian và gắn họ với danh xưng “báu vật nhân văn sống”. Tại Việt Nam, từ năm 2001, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thực hiện việc trao tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân. Đến năm 2015, danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú mới chính thức được Nhà nước xét trao tặng với các chính sách đãi ngộ đi kèm.
Đáng chú ý, ngày 28-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn và chính thức hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Quy định áp dụng cụ thể với các trường hợp như có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định là 1.150.000 đồng) và trong độ tuổi từ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục do Bộ Y tế quy định.
Việc ban hành Nghị định là hết sức cần thiết nhằm kịp thời động viên những người có công lớn trong lưu giữ và truyền dạy di sản của dân tộc. Thế nhưng, chỉ với 617 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú - chưa có nghệ nhân nào được phong tặng Nghệ nhân nhân dân - nằm trong diện được hỗ trợ còn rất khiêm tốn so với hàng nghìn “báu vật nhân văn sống” trên khắp cả nước. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng trong số 617 nghệ nhân đủ điều kiện được hỗ trợ, mới có vài chục nghệ nhân được hưởng trợ cấp theo Nghị định 109, trong đó, số nghệ nhân Hà Nội đủ điều kiện nhận trợ cấp là 8/36 người.
Nghệ nhân ra đi, di sản sẽ có nguy cơ
mất theo. Đó là lời cảnh báo của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khi qua các cuộc kiểm kê di sản cho thấy, có khá nhiều nghệ nhân dân gian nắm giữ di sản đang ở tuổi cao, sức yếu; 65% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp nên phần lớn không có đối tượng làm việc và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trước thực trạng trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, chế độ đối với các nghệ nhân dân gian, tạo điều kiện cho các nghệ nhân có điều kiện, môi trường phát huy hiệu quả các tri thức, thực hành di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ, phát triển nền văn hóa dân gian độc đáo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV-2017.
Muộn còn hơn không! Việc ứng xử tốt với nghệ nhân dân gian, ghi nhận, vinh danh họ là những việc làm không thể chậm trễ.
Trước mắt, cần hỗ trợ các nghệ nhân chế độ bảo hiểm y tế, hay một khoản hỗ trợ để họ tiếp tục làm nghề. Nhưng về lâu dài cần luật hóa các chế độ, chính sách dành cho họ; khuyến khích và tạo điều kiện để họ đào tạo đội ngũ kế cận. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò xã hội hóa trong thực hiện chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian; huy động các nhà tài trợ cùng hỗ trợ để họ mở các lớp truyền dạy và đầu tư kinh phí hoạt động cho câu lạc bộ.
Có như vậy các câu lạc bộ, các nghệ nhân dân gian mới đủ sức giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy mạch nguồn văn hóa cho thế hệ sau.