Chủ động phương án bảo vệ an toàn đê điều

Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 30/07/2017

(HNM) - Hiện nay, 57 cống dưới đê trên địa bàn TP Hà Nội bị hư hỏng, xuống cấp không chỉ làm giảm công năng tưới tiêu mà còn đe dọa an toàn thân đê. Trong những ngày mưa lớn liên tục vừa qua, hồ thủy điện mở cửa xả lũ, mực nước các sông dâng cao, các địa phương, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi đã chủ động sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đê điều.

Thi công dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích tại xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì.


Tiềm ẩn nhiều sự cố

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Doãn Văn Kính cho biết: Đến thời điểm này, chúng tôi mới thực sự yên tâm khi đón nhận thông tin hồ thủy điện Hòa Bình đã đóng toàn bộ cửa xả lũ; mực nước các sông, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thành phố xuống dưới báo động 1. Nếu diễn biến theo chiều ngược lại, lo ngại sẽ xảy ra sự cố đê điều. Bởi thực tế trên hệ thống sông Đáy có nhiều cống lấy nước và tiêu nước bị hư hỏng như: Bạch Tuyết, Tảo Khê, Hương Sơn (thuộc địa bàn huyện Mỹ Đức), Đồng Trữ, Chùa Tổng, Cầu Soi, Cửa Đình (huyện Hoài Đức)... Hiện cống Bạch Tuyết trên đê sông Đáy làm nhiệm vụ lấy nước, tiêu úng cho gần 1.000ha lúa, hoa màu của các xã: Hùng Tiến, An Tiến, Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Tuy nhiên, do cống xây dựng đã lâu nên một số hạng mục đang bị hư hỏng nghiêm trọng…

Chung nỗi lo, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đỗ Đức Thịnh cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng trước mùa mưa lũ 2017, hệ thống đê điều, cống dưới đê của Hà Nội hoạt động ổn định, bảo đảm khả năng chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, các tuyến đê của Hà Nội được hình thành từ lâu, vật liệu xây dựng không đồng nhất, nhiều năm không được thử thách với lũ lớn, tồn tại những bất cập, tổ mối, tổ chuột... Phần lớn các cống dưới đê được xây dựng từ những năm 1960 -1970 trên nền đất..., do vậy, nếu mưa lớn kéo dài, hồ thủy điện tiếp tục mở thêm cửa xả lũ, mực nước sông dâng cao trong nhiều ngày thì nguy cơ xảy ra các sự cố đê sẽ rất lớn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, dọc các tuyến đê trên địa bàn thành phố có 193 cống dưới đê, trong đó có 17 cống đã hoành triệt, 1 cống không sử dụng. Trước mùa mưa bão năm 2017, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi kiểm tra 175 cống đang hoạt động, đánh giá 118 cống ổn định, 57 cống bị hư hỏng, xuống cấp, không đáp ứng công năng…

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, nguyên nhân khiến 57 cống bị hư hỏng, xuống cấp chủ yếu do được xây dựng đã quá lâu (từ những năm 1960, 1970) lại chịu tác động của xe quá tải trọng lưu thông trên đê; mực nước sông Hồng suy giảm... Nếu xảy ra sự cố ở những cống này mà không xử lý kịp thời thì việc bảo đảm an toàn cho các tuyến đê và dân cư sẽ là thách thức lớn...

Chủ động ứng phó

Để chủ động ứng phó các sự cố đê điều trong thời gian hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ, nước các sông: Đà, Hồng, Đáy… dâng cao, UBND thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố ban hành 7 công văn, công điện; đồng thời thành lập 4 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, cống dưới đê.

Các quận, huyện, thị xã, ngoài xây dựng phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn còn xây dựng phương án hộ đê cho 3 vị trí trọng điểm, 10 vị trí xung yếu gồm: Cống Long Tửu, Liên Mạc, Yên Sở, Đan Hoài, Cẩm Đình, Sơn Đà, Tân Hưng - Cẩm Hà… Sở NN&PTNT Hà Nội báo cáo UBND thành phố phương án, kế hoạch xây dựng, nâng cấp, gia cố 57 cống xuống cấp; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục bổ sung dầu, mỡ cho những thiết bị cống dưới đê bảo đảm vận hành nhẹ nhàng và ngăn lũ hiệu quả. Các quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra, nắm rõ thực trạng của từng đoạn đê, cống dưới đê trên địa bàn, chỉ ra những điểm xung yếu và đề xuất hướng giải quyết lên các cơ quan chức năng... Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả phương án hộ đê, bảo vệ vị trí đê trọng điểm, xung yếu đã được các cấp, các ngành phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”...

Bước vào mùa lũ, thời điểm có lũ lớn hoặc khi các hồ chứa thủy điện xả lũ, các địa phương cần nâng cao tinh thần chủ động, tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực, sẵn sàng xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều, nhằm bảo đảm an toàn cho con người và các công trình trên địa bàn Thủ đô.

Kim Văn