Kém hiểu biết, rước họa vào thân
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:48, 31/07/2017
Theo nhiều nghiên cứu y khoa, có tới 96% trong số bé trai mới sinh mắc chứng dài hoặc hẹp bao quy đầu, và đây là hiện tượng sinh lý bình thường, khi trẻ lớn lên thì tình trạng này sẽ mất dần. Sau tuổi 17, tỷ lệ trẻ bị mắc chứng dài và hẹp bao quy đầu chỉ còn khoảng 1%.
Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân bị biến chứng do sử dụng không đúng chủng loại thuốc. Ảnh: Thái Hiền |
Hầu hết phụ huynh có con điều trị bệnh sùi mào gà tại Bệnh viện Da liễu trung ương đều chia sẻ rằng, chỉ vì người nọ mách bảo người kia về địa chỉ chữa bệnh của bà Hoàng Thị Hiền mà con em họ phải khổ. Thậm chí, do lo sợ trước thông tin nếu không nong, cắt bao quy đầu thì sẽ bị vô sinh, ung thư mà hàng chục gia đình ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã tìm đến phòng khám “chui” của bà Hoàng Thị Hiền để nhờ nong tách, cắt bao quy đầu cho con mình, trong đó có những bé mới chỉ 4 tháng tuổi.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tình trạng chít hẹp bao quy đầu phải gây ra viêm nhiễm thì mới đi cắt. Trong trường hợp bắt buộc phải chữa hẹp bao quy đầu, người dân cần tới bệnh viện, tuyệt đối không làm theo các phương pháp dân gian hoặc nghe theo những lời chia sẻ thiếu tính khoa học rồi vội vàng tìm đến những cơ sở y tế "ba vạ". Chính sự thiếu hiểu biết, tin lời truyền miệng mà các phụ huynh đã vô tình gây hậu quả không đáng có đối với trẻ. Đây là bài học cảnh tỉnh cho mọi người.
Không riêng sự việc nêu trên, trong thời gian gần đây, trên facebook, nhiều người truyền tai nhau thông tin đi ngược lại với khuyến cáo của ngành Y tế. Họ vận động "nói không với tiêm vắc xin, không chữa bệnh ung thư"… Bức xúc trước kiểu chia sẻ thông tin vô trách nhiệm, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nhi - Bệnh viện K trung ương) lưu ý: Khi mắc bệnh, thay vì việc tìm đến bệnh viện, nhiều người lại mách nhau về địa chỉ thầy lang này, bà lang kia hay áp dụng những phương pháp chữa trị phản khoa học khiến cho quá trình điều trị bị chậm lại, thậm chí tự đẩy mình tới cái chết. “Trên Facebook, một bà mẹ đã thông tin về chuyện người hàng xóm bị ung thư, bệnh viện trả về nhưng người bệnh đã uống bồ công anh và khỏi bệnh. Nhiều người đọc, tiếp tục chia sẻ cho nhau và cho cả những bệnh nhân đang điều trị ung thư. Điều này khiến các bệnh nhân ung thư hoang mang, thậm chí muốn bỏ điều trị" - bác sĩ Phạm Thị Việt Hương nói.
Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư vẫn là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và miễn dịch sinh học. Việc các bài thuốc truyền miệng lan tràn trên mạng xã hội đã khiến không ít bệnh nhân đang ở giai đoạn đầu của bệnh bỏ lỡ cơ hội chữa trị bài bản khi tìm đến phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học. Chữa theo "tin đồn" không hiệu quả, quay lại bệnh viện thì tế bào ung thư đã di căn rồi.
Đồng tình với ý kiến nói trên, bác sĩ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai) nêu dẫn chứng: Ngày nào khoa cũng phải tiếp nhận bệnh nhân biến chứng do sử dụng không đúng thuốc. Đặc biệt, bệnh nhân xơ gan, suy thận thường rơi vào giai đoạn cuối, không còn khả năng phục hồi. Những bệnh nhân này phải được điều trị theo đúng phác đồ nhưng do nghe những lời đồn thổi nên đã tự uống thuốc, khiến cho các cơ quan nội tạng nhanh chóng bị phá hủy.
Thậm chí, có những bà mẹ cho rằng, khi con bị sốt vi rút thì không cần chữa bởi thuốc tây là loại độc hại, cần chuyển sang sử dụng các bài thuốc lá, đông y… Nguy hại hơn, nhiều bà mẹ còn chia sẻ các phương pháp tự chữa bệnh cho con, nhiều bà mẹ khác tin theo và hậu quả là nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu vì bệnh nặng hơn…
Những điều nêu trên khiến các thầy thuốc thực sự lo lắng.
Bỏ ngay thói quen nguy hại
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thông tin truyền miệng về phương pháp khám, chữa bệnh là rất nguy hiểm. Vì vậy, ngành Y tế cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, không để người dân đặt niềm tin vào các phương pháp chữa bệnh được truyền tải tràn lan trên mạng xã hội. Mặt khác, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân về các cơ sở y tế đáng tin cậy để họ có cơ sở lựa chọn khi cần khám, chữa bệnh.
Riêng về vấn đề tìm kiếm thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe, theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, khi bị bệnh, người dân cần đến bệnh viện, gặp bác sĩ để khám. Nếu muốn có thêm kiến thức, hiểu biết về y khoa thì cần tìm những trang thông tin uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Những người giỏi ngoại ngữ có thể tìm kiếm trang thông tin của các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu có uy tín và được thế giới công nhận; tuyệt đối không nghe theo thông tin trên các trang mạng không có địa chỉ rõ ràng. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc, tìm giải pháp loại bỏ những cơ sở khám chữa bệnh “chui”, hoạt động không phép, những “thần y... tự xưng"...