Trẻ học trước chương trình lớp 1: Lợi ít, hại nhiều

Giáo dục - Ngày đăng : 06:53, 31/07/2017

(HNM) - Chưa đến ngày khai giảng năm học mới 2017-2018, song với trẻ 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, thì đây là thời gian bận rộn và khá căng thẳng với việc tập viết, tập đọc...

Trẻ em học trước chương trình lớp 1 thường chủ quan, giảm hứng thú trong học tập. (ảnh minh họa). Ảnh: Bá Hoạt


Tâm lý đám đông

Còn hơn một tháng nữa mới đến ngày khai giảng năm học mới, nhưng thay vì cho con được nghỉ ngơi, thư giãn để chuẩn bị vào lớp 1, nhiều phụ huynh vẫn đôn đáo tìm chỗ cho con theo học các lớp rèn chữ, tập đọc và tập làm tính. Chị Nguyễn Minh Hương (ngõ 62, Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu, quận Đống Đa) cho biết, rút kinh nghiệm từ con trai lớn, chị cho con thứ hai đi học chữ ngay khi bắt đầu nghỉ hè.

Con trai anh Nguyễn Hoàng Dương (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) vừa trải qua kỳ kiểm tra đầu vào lớp 1 của một trường tiểu học dân lập trên địa bàn, với các bài đánh giá nhận biết của học sinh về ngôn ngữ, toán học, tiếng Anh, năng lực quan sát, diễn đạt, ghi nhớ… Khi thấy hầu hết các bé tham gia đã biết đọc, biết viết, anh đã đưa con quay về nhà, bỏ dở kỳ kiểm tra.

“Tôi nghĩ áp lực ở trường tiểu học không nhiều, học hết cấp cũng chỉ cần biết đọc, biết viết, thông thạo làm tính, nhưng vì không muốn con cảm thấy bị thua kém, mất tự tin nên tôi đã nhờ người quen tìm chỗ để gửi con đi học trước” - anh Dương chia sẻ.

Còn bà Hoàng Thu Thái (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) có cháu nội chuẩn bị vào lớp 1 cho biết, mặc dù nghe đài báo khuyến cáo nhiều về việc không nên cho trẻ đi học trước, bản thân bà cũng không ủng hộ việc này, nhưng vẫn cứ sốt ruột, không yên tâm. Hơn nữa, nhiều phụ huynh cạnh nhà nói rằng, vào lớp 1 mà trẻ chưa biết đọc, biết viết, dễ bị cô và các bạn “bỏ rơi”, lâu dần sẽ không theo kịp chương trình. Vì vậy, khoảng hơn tháng nay, gia đình bà nhờ một cô giáo đã nghỉ hưu ở gần nhà kèm thêm cho cháu.

Trước băn khoăn về việc có hay không hiện tượng giáo viên tiểu học buộc học sinh đi học trước chương trình, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho rằng, nhiều năm nay, ngành Giáo dục quy định rõ, từ ngày 1-8 các trường mới được tổ chức dạy học văn hóa và không có trường nào vi phạm quy định này. Hiện tượng giáo viên kèm vài học sinh tại nhà là có, song không phải vì ép buộc, với học sinh vào lớp 1 càng không phải, vì chưa đi học, phụ huynh không có lý do gì phải sợ giáo viên mà bắt con đi học.

Những người được phụ huynh nhờ dạy kèm học sinh lớp 1 thường là giáo viên lớn tuổi, đã nghỉ hưu. Việc các cháu đi học trước chủ yếu xuất phát từ "tâm lý đám đông" của phụ huynh, người này sợ con mình không theo kịp con người kia, cứ thế đua nhau. Từ đó, dẫn đến tình trạng “xôi đỗ” khi vào năm học mới, bé biết chữ, bé chưa, gây khó khăn cho giáo viên khi tổ chức dạy học.

Lợi đâu chưa thấy...

Giáo viên thường vất vả khi hướng dẫn trẻ đã học trước chương trình lớp 1 do tâm lý chủ quan. Ảnh: Thái Hiền


Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) dẫn chứng về việc trẻ chưa biết đọc sẽ phát triển kỹ năng tưởng tượng, phản ánh, tư duy logic nhanh, nhiều hơn so với trẻ đã biết đọc bằng việc thí nghiệm thực hành đọc, nghe và kể một câu chuyện tranh với 10 trẻ 5 tuổi, gồm cả trẻ biết và chưa biết đọc chữ. Khi được yêu cầu kể lại 2 lần, các bé biết đọc kể gần như y nguyên câu chuyện, thậm chí nhớ khá máy móc, trong khi các bé chưa biết đọc thì mỗi lần kể lại có những lời thoại thú vị, dựa theo trí tưởng tượng của các em, dù không làm thay đổi nội dung. Rõ ràng, đây là những kỹ năng cơ bản, cần thiết cho các em trong việc học tập và phát triển sau này.

Thực tế, năm nào ngành Giáo dục cũng ban hành lệnh cấm các trường mầm non, tiểu học tổ chức dạy trước chương trình đối với trẻ vào lớp 1, kèm những khuyến cáo có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, song dường như vẫn chưa đủ thuyết phục với nhiều phụ huynh. Mối lo con không theo kịp chương trình, không theo kịp bạn bè luôn thường trực, khiến không ít ông bố, bà mẹ thấp thỏm không yên tâm nếu con chưa biết gì khi vào lớp 1.

Cô Hà Anh, giáo viên nhiều năm dạy lớp 1, Trường Tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ) cho biết, những bé biết đọc, biết viết trước thường mạnh dạn, tự tin hơn các bạn khác khi bắt đầu vào học, nhưng sau vài tuần, các bé này lại hay chủ quan, lơ đễnh khi cô giảng, còn các bé chưa biết luôn háo hức, tập trung hơn. Ngành Giáo dục không có quy định các bé phải biết đọc, biết viết khi vào lớp 1. Trong chương trình lớp 1, các bé được cô dạy bắt đầu từ nét ngang, nét thẳng, nét xiên, nét móc... dần dần mới tập viết chữ cái, ghép vần, tập đọc...

“Điều quan trọng nhất với trẻ khi bắt đầu vào lớp 1 là chuẩn bị cho bé về tâm thế, sức khỏe để trẻ sẵn sàng tiếp cận với những điều mới mẻ, có tính khuôn phép hơn so với khi còn học mẫu giáo” - cô giáo Hà Anh chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định, dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú trong học tập, chưa kể dễ dẫn đến những nguy cơ khác về sức khỏe khi chưa đủ tuổi. Sự đồng hành của cha mẹ với việc học của trẻ là cần thiết, song cần quan tâm đúng cách và tin tưởng vào giáo viên.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Ngành Giáo dục Hà Nội đã chỉ đạo các trường nghiêm túc thực hiện và giám sát việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ theo từng độ tuổi và chương trình giáo dục ở tiểu học, nghiêm cấm các nhà trường dạy trước chương trình lớp 1. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, về quản lý thực hiện chương trình.

Thống Nhất