Sát cánh chống lại mối đe dọa khủng bố

Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 31/07/2017

(HNM) - Hội nghị An ninh và mối đe dọa khủng bố xuyên biên giới do Indonesia và Australia đồng tổ chức đã diễn ra tại TP Manado (Indonesia). Tham gia hội nghị còn có bộ trưởng và các quan chức an ninh New Zealand, Malaysia, Brunei và Philippines.

Chiến sự tại Marawi là lời cảnh báo sớm về nguy cơ IS tại Đông Nam Á.


Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang bị đẩy lùi khỏi nhiều thành phố và khu vực chiếm đóng ở Trung Đông. Thực trạng trên khiến giới quan sát quan ngại nguy cơ nhóm khủng bố này sẽ mở rộng chiến dịch bạo lực ra các khu vực khác trên thế giới. Trong đó, bạo lực ở TP Marawi trên đảo Mindanao của Philippines chính là hồi chuông báo động về nguy cơ IS đang tìm cách thiết lập thành trì mới tại Đông Nam Á. Động thái này càng trở nên nguy hiểm khi số lượng các tay súng sau thời gian tham chiến tại Trung Đông bắt đầu về nước, truyền bá tư tưởng cực đoan và tiếp tục các hoạt động thánh chiến. Bản thân IS hiện cũng có một đơn vị tác chiến độc lập tại Iraq và Syria với hàng trăm các tay súng đến từ Đông Nam Á.

Riêng tại Indonesia tới nay có 510 đối tượng đã gia nhập IS, trong đó có 113 phần tử là nữ giới. Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Malaysia. Philippines ước tính có khoảng 20 phần tử từ Indonesia đang đứng cùng chiến tuyến với các tay súng Maute, chiến đấu với quân đội chính phủ tại Marawi. Đây cũng là nơi IS đang âm mưu thành lập một "Vương quốc Hồi giáo" mới.

Thậm chí, một trong những thủ lĩnh phụ trách tài chính và tuyển mộ các tay súng nước ngoài của phiến quân ở Marawi còn là học giả nghiên cứu Hồi giáo người Malaysia, Ahmad Mahmud. Thực trạng này đã biến Indonesia, Malaysia và Philippines trở thành những quốc gia đang ở "tiền tuyến" trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại khu vực. Từ tháng 6-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết, có ít nhất 31 nhóm khủng bố ở Đông Nam Á đã tuyên thệ trung thành với IS.

Trước sự phát triển và mở rộng hoạt động một cách nhanh chóng của các nhóm Hồi giáo cực đoan, sau hàng loạt thảo luận về các biện pháp chống khủng bố, các đại diện của Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines cùng Australia, New Zealand đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật ở Trung Đông để thực hiện mục tiêu chung.

Hội nghị cũng đưa ra sáng kiến tổ chức đối thoại cấp cao giữa các lực lượng an ninh vào tháng 8-2017 với sự có mặt của tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bởi IS. Một số nguồn tin từ cuộc họp cho biết các nước Trung Đông, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tham dự sự kiện này nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai khu vực.

Ngoài ra, cả 6 quốc gia tham gia hội nghị lần này cũng nhất trí thiết lập Diễn đàn Chống khủng bố nước ngoài nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các cơ quan tình báo, thực thi pháp luật. Tuyên bố chung của hội nghị cũng kêu gọi các nước thúc đẩy hợp tác cả về vấn đề kiểm soát biên giới, cải cách luật pháp và ngăn chặn việc sử dụng mạng xã hội nhằm lên kế hoạch tấn công, tuyển mộ chiến binh của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trên thực tế, 10 quốc gia ASEAN đã có khung hợp tác chống bạo lực và chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên, bối cảnh mới đã có những thay đổi theo hướng phức tạp và nguy hiểm hơn. Vì vậy, hội nghị lần này có thể coi là một trong những nỗ lực nâng mức hợp tác nội khối cũng như liên khu vực chống lại nguy cơ chung.

Khi các lực lượng khủng bố có xu hướng phát triển đa quốc gia và ngày càng táo tợn, những hành động ngăn chặn với quy mô và cách thức tương xứng là hết sức cần thiết, đúng như lời Bộ trưởng An ninh Indonesia Wiranto nhận định: “Chúng ta phải sát cánh cùng đối mặt với mối đe dọa”.

Hoàng Linh