Bài cuối: Góp nhặt kỷ vật, tiếp lửa anh hùng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:32, 31/07/2017
Từ bảo tàng ấm tình đồng chí...
Chúng tôi đến thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đúng vào ngày chủ nhân của bảo tàng - thương binh Nguyễn Mạnh Hiệp đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm đất thiêng Quảng Trị. Dẹp bỏ mọi bận rộn, ông tiếp chúng tôi trong khoảng sân nhỏ với vô vàn kỷ vật của đồng đội xung quanh. Ông Hiệp bảo: “Đây là những gì cả đời tôi tâm nguyện”.
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp bên kỷ vật của đồng đội. |
Là một chiến sĩ chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, chưa ngày nào ông Hiệp nguôi nỗi nhớ đồng đội. “Năm 1969, tôi bị thương nặng. May mắn, tôi được Thiếu tướng Trần Minh Đức, Cục trưởng Cục Hậu cần, Quân khu Bình Trị Thiên đến thăm và tặng quà. Những món quà ấy tôi vẫn giữ bên mình như kỷ vật của người anh hùng mình ngưỡng mộ. Đây cũng là nguồn cơn để tôi bắt đầu tâm nguyện góp nhặt kỷ vật của đồng đội sau ngày đất nước hòa bình” - ông Hiệp tâm sự.
Ông Hiệp hồi tưởng: Cứ gom góp được chục triệu đồng, tôi lại lên đường. Nơi tôi trở lại nhiều nhất là chiến trường Bình Trị Thiên năm xưa, rồi mở rộng ra nhiều tỉnh miền Trung khác. Hễ được chỉ ở đâu có kỷ vật, tôi lại tìm đến hỏi mua. Nhiều lúc cạn tiền chưa mua được chỉ lo người ta vứt mất. Lúc ấy, tôi phải thúc bà nhà vay mượn hộ để tiếp tục lên đường.
Những lời kể của thương binh Nguyễn Mạnh Hiệp không thể chuyển tải hết nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong hành trình hơn 20 năm góp nhặt kỷ vật. Chỉ biết rằng, với từng đó thời gian, số kỷ vật ông đem về từ những chuyến “đi theo người ta chỉ” đã vượt qua con số 3.000, trong đó, rất nhiều hiện vật quý, có giá trị lịch sử to lớn, như: Bản đồ tác chiến vùng A Lưới; ảnh chụp 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc; lá cờ giải phóng cắm trên đỉnh cột cờ ngày Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng… Khi thu thập được kha khá kỷ vật, ông Hiệp xin phép chính quyền mở bảo tàng như một nơi lưu dấu những chiến công lẫy lừng, tình nghĩa đồng đội.
Cùng chung tâm nguyện với ông Hiệp, hơn 30 năm qua, ông Lâm Văn Bảng ở xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) cùng các đồng đội vẫn duy trì hoạt động của Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, nơi trưng bày những hiện vật được mang về từ khắp nơi trên đất nước như một cách tri ân những người ngã xuống. Ông Bảng bộc bạch: Những kỷ vật tạo dựng nên bảo tàng hôm nay khiến anh em, đồng đội tôi thấy ấm lòng, vì tâm nguyện của mình được cộng đồng trân trọng, góp phần giáo dục truyền thống, tiếp lửa anh hùng cho các bạn trẻ hôm nay.
...đến giá trị lịch sử của những lá thư thời chiến
Cùng mong muốn để thế hệ trẻ hiểu thấu đáo hơn quá khứ, xây dựng cho mình lý tưởng, hoài bão sống đẹp hơn, hơn 10 năm qua, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng ở phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) đã cất công sưu tầm những bức thư, dòng nhật ký thời chiến, tập hợp lại để cho ra đời những tác phẩm đặc biệt mang tên “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Ông Hưng cho biết: Những lá thư, trang nhật ký mà chúng tôi sưu tầm đều được viết trong thời gian đất nước chiến tranh. Đó là những trang viết máu thịt của cuộc đời, cho ta hình dung về từng số phận con người, giúp ta hiểu thêm về quan niệm, lý tưởng, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của nhiều thế hệ cha anh.
“Có rất nhiều khác biệt giữa thư thời chiến với những lá thư thông thường khác. Từ chất liệu viết được tận dụng ở sổ ghi chép, vỏ bao thuốc, mảnh vải quần… đến điều kiện viết thư, hoàn cảnh nhận thư cũng khắc nghiệt và vô cùng đặc biệt. Có bức thư còn hằn dấu mồ hôi, ám khói chiến trường, nhòe mờ vì thời gian và nước mắt… Có bức thư viết trong thời khắc người gửi đang dần tắt sự sống. Có bức thư lưu lạc hàng chục năm mới tới tay người nhận. Lại có bức thư viết và gửi từ lao tù “địa ngục trần gian”; thư lấy từ thi thể người chiến sĩ giao liên… Tất cả đã làm nên sự khác biệt đầy bi thương và hùng tráng của một thời gian khó mà kiêu hãnh của dân tộc” - ông Hưng cho biết thêm.
Trên chặng đường sưu tầm thư, nhật ký thời chiến, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng đã nhận được hàng vạn bức thư, trang nhật ký với đa dạng cung bậc cảm xúc. Có thể kể đến niềm lạc quan, yêu đời của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tâm với dòng tâm sự: “Con đi vào Quảng Bình, nhìn cảnh tượng bom đạn quân thù gây trên mảnh đất ở đây, con thấy sức sống mãnh liệt của nhân dân ta thật phi thường... Họ động viên con bằng lời chúc, lời chào quyết thắng…”; lý tưởng sống của liệt sĩ Phan Sỹ Đoài: “Rất có thể em hy sinh trong tuổi thanh xuân này, nhưng điều đó không làm em băn khoăn vì ai cũng phải chết, chỉ chết như thể nào để khỏi ân hận”… và cả nỗi niềm đau đáu của liệt sĩ Vũ Xuân Trịnh dành cho người yêu thương: “Em ạ, ai lại muốn xa nhau, nhưng vì máy bay Mỹ cứ hằng ngày ném bom ra bắn phá... Vợ chồng mình ở nhà cũng không thể ngồi yên được”…
Với phương châm tôn trọng tối đa văn bản gốc, người tập hợp, biên soạn những lá thư thời chiến đã giữ nguyên cách diễn đạt, lối viết tắt, viết hoa, cách dùng từ địa phương của tác giả. Điều này giúp bạn đọc cảm nhận được rõ ràng, sâu sắc hơn về nỗi niềm và tâm trạng, hoàn cảnh cụ thể của người viết. Sâu xa hơn, người biên soạn kỳ vọng: “Sau khi cuốn sách được phát hành, biết đâu sẽ tìm được phần mộ liệt sĩ hoặc thông tin mất tích của người thân, bởi phần lớn tác giả góp mặt trong bộ sách đã ngã xuống ngoài chiến trường. Nhiều người trong số họ vẫn chưa được “hội ngộ” người thân. Không ít người, đến một bức di ảnh cũng không có, gia đình phải thờ bằng di thư của họ”.
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng mong mỏi: “Thư là bằng chứng chân thực về lịch sử cho thế hệ bây giờ. Bằng việc sưu tầm, tập hợp những lá thư thành sách, chúng tôi mong muốn truyền đi thông điệp của lịch sử, tiếp lửa truyền thống cách mạng. Giữa những con chữ và trang giấy mỏng manh, bạn có thể nhận ra khí phách Việt Nam và cả trách nhiệm với người đã hy sinh, cống hiến cho thời đại chúng ta đang sống.