Nhiều dự án chậm tiến độ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 31/07/2017
Hàng loạt dự án "đắp chiếu"
Phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện các dự án chống sạt lở, xây dựng đê kè tại TP Hồ Chí Minh chia thành 2 nguồn vốn đầu tư gồm: Ngân sách thành phố và chống sạt lở. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách có tổng mức đầu tư gần 4.660 tỷ đồng, trong đó, năm 2017 kế hoạch giao vốn gần 173 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được khoảng 60% kế hoạch. Còn nguồn vốn chống sạt lở hơn 45 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm nay hơn 14 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách hiện có 10 công trình đang thi công, với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 11 dự án chuẩn bị thực hiện, với hơn 1.100 tỷ đồng và 12 dự án chuẩn bị đầu tư, với hơn 1.600 tỷ đồng. Còn nguồn vốn chống sạt lở có 2 công trình đã hoàn thành, với gần 8 tỷ đồng và 3 dự án chuẩn bị thực hiện, với mức đầu tư gần 38 tỷ đồng.
Sạt lở bờ bao làm một phần nhà của 5 hộ dân trôi xuống sông tại xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). |
Thế nhưng, nhiều dự án đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Thậm chí không ít dự án phải “đắp chiếu” nhiều năm nay vì các lý do khác nhau, trong đó, chậm bàn giao mặt bằng và thiếu vốn là nút thắt lớn nhất. Cụ thể, tại dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, đoạn 2 sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh), xây dựng gần 3km kè với tổng mức đầu tư gần 320 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành xong gói thi công dưới nước, còn phần trên cạn dự kiến sẽ hoàn thành năm 2019 nếu quận Bình Thạnh giao mặt bằng đúng hẹn. Tuy nhiên, nếu xét theo kế hoạch đề ra thực hiện dự án giai đoạn từ năm 2012 đến 2018 thì gói thi công dưới nước cũng chậm tiến độ 2 năm, bởi đến giữa tháng 8-2014 gói này mới khởi công và hoàn thành năm 2016.
Một trong những điểm nóng về sạt lở thời gian qua là huyện Nhà Bè, đến nay, các dự án ở đây cũng đứng trước nguy cơ chậm tiến độ. Cụ thể, dự án xây dựng kè bảo vệ chống sạt lở bờ sông khu vực khu dân cư xã Phước Kiểng dài hơn 600m, dự kiến cuối năm nay, UBND huyện mới bàn giao mặt bằng và phải đến quý III năm 2018 công trình trên cạn mới hoàn thành. Xét theo kế hoạch thực hiện dự án giai đoạn năm 2010-2017 thì dự án trên không đúng tiến độ.
Cùng chung cảnh ngộ, tại huyện Bình Chánh, công trình xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu cầu Xóm Củi dài gần 900m kè, kinh phí thực hiện gần 200 tỷ đồng, dự kiến thi công từ năm 2016 nhưng đến nay cơ quan chức năng tiếp tục kéo đến quý II năm 2019 mới khởi công công trình. Tương tự, tại quận 2, dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Sài Gòn bờ trái (hạ lưu cách cầu Sài Gòn 500m) dài 250m kè, kinh phí thực hiện 78 tỷ đồng, kế hoạch thực hiện trong giai đoạn năm 2015-2018, nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Dự kiến đến quý IV năm 2018 dự án này mới được bàn giao mặt bằng để thi công.
Theo Phòng Quản lý giao thông đường thủy, dự kiến năm 2017 sẽ hoàn thành 4/11 dự án đang thi công. Năm 2018 sẽ hoàn thành tiếp 6 dự án. Giai đoạn năm 2019-2020 sẽ hoàn thành dự án còn lại. Tuy nhiên, một số dự án xây dựng kè, bảo vệ bờ và chống sạt lở do công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng của các quận, huyện đang bị vướng nên thực hiện chậm và có nguy cơ vỡ kế hoạch.
Nhiều vị trí “chờ” sạt lở
Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, đến nay trên địa bàn thành phố có 40 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch, với gần 860 hộ dân bị ảnh hưởng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã phát sinh thêm 4 vị trí, trong đó có 23 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 16 vị trí nguy hiểm. Huyện Nhà Bè đứng tốp đầu với 11 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 5 vị trí nguy hiểm và 226 hộ dân bị ảnh hưởng. Tiếp đó là huyện Cần Giờ với 5 điểm đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, với 240 hộ dân bị ảnh hưởng. Các quận 2, 7, 8, Thủ Đức, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh cũng có từ 1 đến 5 vị trí sạt lở, kéo theo hàng trăm hộ dân luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm.
Trước thực trạng trên, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải) cho hay, hiện Khu quản lý đường thủy nội địa phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở bờ sông để người dân biết. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra để cảnh báo khu vực xuất hiện dấu hiệu sạt lở và đánh giá nguyên nhân để triển khai các dự án xây dựng kè bảo vệ bờ tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Cũng theo ông Bằng, về lâu dài thì UBND các quận, huyện phải sớm bàn giao mặt bằng; UBND thành phố cần ưu tiên bố trí vốn kịp thời để triển khai nhanh các dự án xây dựng kè chống sạt lở đang bị vướng, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão này.