Cần một quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:33, 01/08/2017

(HNM) - Để có thể “cất cánh”, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Đó là quan điểm của TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN, khi trao đổi về vấn đề này.

Hoạt động khởi nghiệp đang cần môi trường đầu tư thuận lợi với sự hỗ trợ phù hợp.


- Khái niệm “hệ sinh thái khởi nghiệp” đã dần trở nên quen thuộc. Vậy về cơ bản, đâu là những yếu tố cấu thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, thưa ông?

- Hệ sinh thái khởi nghiệp là một hệ thống bao gồm 5 thành phần chủ yếu. Trong đó, 2 thành phần quan trọng và cổ điển nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, hay là “nguồn cầu”, và các viện nghiên cứu, các trường đại học (nguồn cung). Ở đây cũng phải nói rõ thuật ngữ khởi nghiệp chúng ta đang hiểu theo nghĩa hơi quá rộng, tất cả các khởi sự kinh doanh có thể nói là khởi nghiệp. Nhưng khái niệm khởi nghiệp theo quan niệm của chúng tôi chỉ nên tập trung vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hay nói khác đi là khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ mới, công nghệ cao, dựa trên kết quả nghiên cứu nhập khẩu ở trình độ cao.

Ngoài ra, mô hình khởi nghiệp còn 3 thành phần khác rất quan trọng. Đó là cơ sở dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; các nhà đầu tư trong đó quan trọng nhất là nhà đầu tư mạo hiểm; cơ sở pháp lý cùng toàn bộ hệ thống pháp luật để bảo hộ, bảo vệ nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp.

- Hiện nay tại Việt Nam đã có đủ các thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp như ông đề cập. Nhưng thực tế cho thấy hệ thống vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thể bùng nổ. Theo ông nguyên nhân là vì sao?

- Chắc chắn là từ hệ thống luật pháp của chúng ta chưa được hoàn thiện. Cho đến nay việc đầu tư mạo hiểm chưa được quy định ở bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Mới đây Chính phủ vừa trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó lần đầu tiên đề cập đến đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên nó mới dừng ở khái niệm câu chữ, chứ chưa có quy định thật cụ thể.

Năm 2013 Bộ KH-CN đã thí điểm “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình thung lũng Silicon” của Hoa Kỳ, gọi tắt là Silicon valley. Trong 4 năm vận hành, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng có thể nói đây là một đề án thành công, hỗ trợ cho rất nhiều khởi nghiệp gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là từ quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên như tôi đã nói, hầu hết các doanh nghiệp này khi được đầu tư thì các quỹ đầu tư đều tìm cách kéo họ ra hoạt động ở các nước lân cận trong khu vực. Vì vậy, nếu chúng ta xây dựng được hệ thống luật pháp tốt thì các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đóng thuế cho Việt Nam thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

- Mặc dù môi trường khởi nghiệp còn hạn chế nhưng không thể phủ nhận phong trào khởi nghiệp vẫn khá sôi động. Tuy nhiên tính phong trào cũng có mặt trái của nó. Ông nghĩ sao về điều này?

- Mặc dù khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tính mạo hiểm cao, độ rủi ro lớn, thất bại nhiều, nhưng một khi thành công sẽ đem lại giá trị gia tăng rất cao cho nền kinh tế. Vì vậy mà chúng ta cần phải thúc đẩy tính sáng tạo, tính khởi nghiệp, làm sao để giới trẻ dám chấp nhận, đã khởi nghiệp thì phải chấp nhận thất bại, coi thất bại là sự thành công về mặt nào đó để người ta không nản lòng mỗi khi gặp rủi ro.

Để tránh khởi nghiệp ồ ạt, kém hiệu quả, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý cần tập trung vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghĩa là chú trọng vào ứng dụng, nghiên cứu, triển khai để tạo ra được công nghệ mới, kết quả nghiên cứu mới khả thi có thể ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Như vậy mới có những mô hình như là Intel, Uber… thậm chí như là Apple, Microsoft. Những doanh nghiệp ấy có thể ban đầu chỉ manh nha ý tưởng công nghệ, nhưng khi được các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư quan tâm, được hệ thống chính sách hỗ trợ thì sẽ trở thành những ông lớn trong nền kinh tế.

- Vậy theo ông tại sao trong khi các quỹ đầu tư nước ngoài thì mong muốn đầu tư vào Việt Nam, còn trong nước vẫn chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho những ý tưởng khởi nghiệp tốt?

- Chúng ta mới bước chân vào nền kinh tế thị trường, trong khi các nước phát triển có kinh nghiệm hàng trăm năm về phát triển các quỹ này. Chính vì thế chúng ta phải tìm hiểu nó, từ cơ chế vận hành, đầu tư, chia sẻ lợi nhuận và chấp nhận rủi ro, thất bại như thế nào, rồi hệ thống hỗ trợ, kể cả chính sách thuế… Chúng ta hay nói rằng “dò đá qua sông”.

Chính vì thế chúng tôi đã nhiều lần để nghị thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm. Từ năm 2009, khi xây dựng Luật Công nghệ cao, Bộ KH-CN cũng trình và được Quốc hội chấp thuận thí điểm mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm, tuy nhiên cho đến thời điểm này quỹ đầu tư mạo hiểm của chúng ta vẫn chưa ra đời.

Tôi rất mong Chính phủ sớm cho thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm mang tính chất thí điểm, để chúng ta có thể biết cơ chế vận hành như thế nào, trên cơ sở đó xây dựng một văn bản pháp luật để quy định hoạt động này cho phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hà