Niềm tin kiến tạo những thành công mới, tầm vóc mới của Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 01/08/2017

(HNM) - Hôm nay, 1-8, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội kỷ niệm tròn 9 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Đại lộ Thăng Long - tuyến đường quan trọng kết nối phát triển được đưa vào khai thác sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội.


Thành quả của sự phấn đấu không ngừng

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1-8-2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, vào Thủ đô Hà Nội, một bước ngoặt quan trọng của mảnh đất rồng thiêng. Quyết định có ý nghĩa lịch sử của Đảng và Nhà nước vừa nhằm phát huy tối đa những nguồn lực và giá trị truyền thống, vừa tạo động lực mới để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị thế của một quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ cùng những kỳ tích đổi mới được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Không phụ lòng tin tưởng của Trung ương và đồng bào cả nước, 9 năm qua, Hà Nội đã chứng minh bằng sức vươn từ nội lực, xây dựng nền móng kiến tạo một tầm vóc mới. Hà Nội đã khẳng định vị trí quan trọng hơn, tầm ảnh hưởng lớn hơn trên “bản đồ” kinh tế cả nước. Trong giai đoạn 5 năm (2008-2013) sau hợp nhất, thành phố đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề rất khó khăn khi thực hiện những nhiệm vụ trọng đại được Đảng, Nhà nước giao phó, đặc biệt là về công tác tổ chức, cán bộ, đồng bộ cơ chế chính sách quản lý… nhằm tạo nền móng mới để phát huy tối đa những lợi thế phát triển Thủ đô.

Những năm sau đó, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Hà Nội tiếp tục nỗ lực phấn đấu và thực sự là đầu tàu và động lực phát triển kinh tế phía Bắc, một trong hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước với đóng góp cho nền kinh tế đất nước hằng năm trung bình khoảng 10% GDP. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm 2011-2015 tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Năm 2016, kinh tế Thủ đô tăng trưởng 8,03%. Sáu tháng đầu năm 2017 mức tăng trưởng đạt 7,37%; tổng thu ngân sách nhà nước thành phố thực hiện được trên 100.490 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ.

Có thể nói, kết quả sau 9 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 là khá cao và toàn diện.

Công tác quản lý đô thị của Hà Nội đã được tăng cường, nhiều giải pháp mới được triển khai góp phần làm cho diện mạo đô thị ngày một sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, khang trang hơn. Thành phố đã tích cực hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chi tiết. Trên cơ sở Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050, Trung ương và thành phố đã đầu tư rất lớn cho hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô. Nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, trục chính đô thị và nhiều công trình lớn, hiện đại trên địa bàn Hà Nội đã được hoàn thành trong 9 năm qua như: Nhà ga T2 Nội Bài, đường Vành đai 3, tuyến đường Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp, đường 5 kéo dài, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù... đã góp phần tạo nên diện mạo văn minh, hiện đại cho Thủ đô.

Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và đạt được kết quả nổi trội, được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này. Kết quả cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa đã đạt tỷ lệ 98%; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư đến nay cũng đạt khoảng 97%... Đây là những tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở để các hộ nông dân liên doanh, liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân.

Đến nay, thành phố đã có hai huyện Đan Phượng và Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới. Hai huyện Thanh Trì và Hoài Đức đã đủ điều kiện, đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn thành phố có 255 xã/386 xã (chiếm 66,06% tổng số xã) đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 131 xã còn lại, có 93 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (tăng 6 xã so với quý I-2017); 38 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội đã tăng từ 14 triệu đồng (năm 2011) lên 36 triệu đồng/người/năm (năm 2016), cao hơn 4 lần so với năm 2008.

Văn hóa - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Sau khi hợp nhất, nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người trên lĩnh vực văn hóa - xã hội bị giảm so với trước, song với những cố gắng mới, TP Hà Nội vẫn luôn giữ vị trí dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, y tế, thể dục thể thao... Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước với hơn 800.000 người, chiếm 10% dân số thành phố; trong đó có 92.000 người hưởng trợ cấp hằng tháng. Những năm qua, ngoài chính sách theo quy định của Trung ương, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù, huy động được đông đảo các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa”.

Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua, thành phố đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 8.211 nhà ở của hộ gia đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 958 tỷ đồng, cơ bản hoàn chỉnh việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công. Thành phố đặc biệt chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, đã nâng chuẩn nghèo cao gấp đôi chuẩn nghèo cũ. Năm 2016, toàn thành phố giảm được 23.592 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 3,64% xuống còn 2,37%. Năm 2017, thành phố phấn đấu giảm tiếp tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,8%. Các cuộc vận động, phong trào xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai ngày càng sâu rộng với những hiệu quả rõ nét.

Thành phố đã tăng cường củng cố công tác quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt yêu cầu giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. 9 năm qua, Hà Nội bảo đảm tuyệt đối an toàn các cơ quan, trụ sở của Trung ương và thành phố, các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn, nổi bật là các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII; các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021... Thành phố đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện bảo đảm an ninh trật tự như thành lập các tổ công tác 141, 142 của Công an thành phố để đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, duy trì trật tự an toàn xã hội.

Công tác đối ngoại không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã tham gia tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng. Lượng du khách quốc tế đến với Thủ đô nghìn năm văn hiến ngày càng tăng. Đặc biệt, ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm, tham gia đầu tư, tăng vốn, mở rộng quy mô đầu tư vào Hà Nội. Minh chứng rõ nét là tại hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức ngày 25-6-2017, thành phố đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư và trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn lên tới 10 tỷ USD.

Chín năm kể từ ngày Hà Nội hợp nhất là khoảng thời gian đủ để không chỉ kiểm nghiệm tính hiệu năng của một guồng máy đồ sộ lúc đầu được sắp xếp theo một phép cộng đơn thuần, mà còn là sự khẳng định tính đúng đắn của một quyết sách chiến lược. Công tác xây dựng Đảng luôn được thường xuyên quan tâm, coi trọng, thực sự là khâu then chốt. Hằng năm, Đảng bộ thành phố kết nạp trên 12.000 đảng viên mới. Hà Nội cũng đi đầu về thực hiện công tác phát triển Đảng, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động có chuyển biến tốt hơn; trong đó nổi bật là triển khai Đề án 06-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XV, thành phố đã kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn.

Đảng bộ, chính quyền Thủ đô không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; gương mẫu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ và Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thành phố còn đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị "Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức" được đoàn kiểm tra Trung ương đánh giá cao. Sau sắp xếp, khối hành chính thuộc các sở, ngành giảm 30% đầu mối, khối sự nghiệp giảm 50% đầu mối; các đơn vị sự nghiệp cấp huyện cũng giảm trên 50% số đầu mối. Toàn thành phố đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban, 143 phó trưởng phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các ban quản lý dự án và quỹ. Dù giảm đầu mối, số lượng cán bộ nhưng hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị vẫn tăng mạnh, được các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân đánh giá cao.

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn những lĩnh vực quan trọng hàng đầu, những nhiệm vụ cấp bách, nổi cộm để ban hành chỉ thị, nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết như: Phát triển du lịch, giải phóng mặt bằng, tăng cường bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự và văn minh đô thị, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, củng cố cơ sở đảng yếu kém gắn với giải quyết những vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Tất cả những nỗ lực, quyết tâm này đã và đang đem lại sự chuyển biến rõ rệt trên mọi lĩnh vực.

TP Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh thần phục vụ, ý thức kỷ cương, kỷ luật của bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố ngày càng được cải thiện theo tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố cương quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong quá trình giao tiếp, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hà Nội cũng đi đầu trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Nhờ đó, môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội ngày càng tạo được sức hút lớn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 10 bậc, xếp 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội cũng tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Số doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh trong những năm qua.

Nỗ lực vươn lên tầm cao mới

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô. Ảnh: Viết Thành


Hà Nội đạt được kết quả toàn diện nêu trên, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân Thủ đô; còn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương; sự hợp tác có hiệu quả của các địa phương trong cả nước. Thành quả 9 năm Hà Nội mở rộng và hợp nhất là sự phấn đấu không ngừng, tạo khí thế, niềm tin và động lực quan trọng để thành phố tiếp tục vươn lên, giành những thành tựu mới to lớn hơn.

Nhìn lại 9 năm Hà Nội hợp nhất, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý để phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế, yếu kém, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Trước tiên, đó là bài học về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Các cấp ủy phải đặc biệt chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ và truyền thống đoàn kết, thống nhất, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân Thủ đô. Kinh nghiệm từ quá trình thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tính tiên phong, gương mẫu, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi tổ chức Đảng.

Đó còn là bài học về yêu cầu thường xuyên bám sát thực tiễn Thủ đô, dự báo đúng tình hình, chủ động giải quyết những vấn đề mới phát sinh; lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng, phản biện tích cực của nhân dân để kịp thời xây dựng và điều chỉnh chủ trương, chính sách, biện pháp cho phù hợp. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần lựa chọn đúng và tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá để có hành động xứng đáng thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của tổ chức và từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị. Nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của Trung ương, sự hợp tác của các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước, chủ động hội nhập quốc tế để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, nâng cao uy tín và vị thế Thủ đô.

Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, đồng thời là năm thứ sáu Hà Nội thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020”. Hà Nội đã và đang phấn đấu ngày càng xứng đáng với sự quan tâm của Trung ương, khẳng định ngày càng vững chắc vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Dù đạt được những kết quả rất đáng khích lệ nhưng thẳng thắn đánh giá, có thể thấy, kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế còn thấp. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị Hà Nội vẫn còn hạn chế… Việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong đời sống dân sinh còn bất cập. Một số vấn đề trong xây dựng phát triển văn hóa còn chưa tương xứng với vị thế Thủ đô, nhất là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Đội ngũ cán bộ, công chức một số nơi còn hạn chế cả về trình độ chuyên môn và ý thức thực thi nhiệm vụ...

Từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2015-2020, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hết sức để thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Thành ủy đã xây dựng, ban hành 8 chương trình công tác toàn khóa; các nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch, chỉ thị chỉ đạo thực hiện cụ thể, hoàn thành thắng lợi 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống người dân ngoại thành. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Thành phố cũng sẽ tập trung hơn nữa đầu tư và thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị và tập trung phát triển giao thông công cộng, từ đó từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Bên cạnh việc phát triển các khu đô thị mới, cải tạo, chỉnh trang và tăng cường quản lý đô thị, Hà Nội sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm các công viên mới, thực hiện mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh vào năm 2020.

Đồng thời tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, bền vững; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ vào giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc... Thành phố sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành để phát huy tối đa nội lực, huy động đa dạng các nguồn lực từ bên ngoài, tận dụng thời cơ mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

Thủ đô Hà Nội là “trái tim của cả nước”. Trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Thủ đô là của cả nước, nhưng trách nhiệm lớn nhất và trước tiên là của cán bộ và nhân dân Hà Nội, của những người hằng ngày sinh sống, làm việc gắn bó với mảnh đất này.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thủ đô phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, ý chí, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện thật tốt Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thành phố phải thật sự thấm nhuần phương châm và hành động thể hiện sự “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Trước mỗi nhiệm vụ chính trị hay công việc dù lớn hay nhỏ của thành phố, chúng ta cần thấm sâu nhận thức: Tinh thần đồng thuận xã hội, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân có ý nghĩa quyết định, từ đó có giải pháp hành động phù hợp, phát huy được sức mạnh nhân dân.

Với mỗi người dân Thủ đô, hơn bao giờ hết, cần nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hiến nghìn năm Thăng Long - Hà Nội với hơn 5.000 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có hơn 2.400 di tích đã được xếp hạng cùng nhiều giá trị văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế. Bằng tình yêu Hà Nội, bằng tâm huyết với sự nghiệp phát triển Thủ đô, mỗi người dân cần thực hiện tốt hơn nữa các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội; từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh xứng đáng với bề dày truyền thống của đô thị nghìn năm tuổi.

Xuyên suốt lịch sử hơn 1.000 năm của mảnh đất rồng thiêng, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử. Phía trước là không ít khó khăn, thách thức, nhưng sự chuyển động rõ nét, tích cực trong 9 năm qua, nhất là thời gian gần đây chính là động lực, niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vững vàng tiến bước trên chặng đường mới. Mỗi cán bộ, đảng viên, công dân Thủ đô Hà Nội cần nêu cao hơn nữa truyền thống Văn hiến - Anh hùng - Thành phố Vì hòa bình, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh và trí tuệ tập thể để đưa Thủ đô vươn lên một tầm cao mới; thực sự trở thành một Thủ đô văn minh, hiện đại, yên bình, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân cả nước.

HOÀNG TRUNG HẢI
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội