Những bước tiến vững chắc

Chính trị - Ngày đăng : 06:57, 01/08/2017

(HNM) - Thủ đô Hà Nội nói chung và khu vực ngoại thành nói riêng đã, đang có bước tiến vững chắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Kết quả nổi bật là đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ..., vì thế diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Báo Hànộimới xin giới thiệu một số ý kiến đánh giá từ cơ sở.

Ông Trần Đức Nguyên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất:

Đồng bào dân tộc miền núi được quan tâm

Huyện Thạch Thất có 3/23 xã, thị trấn là xã miền núi, gồm: Yên Bình, Tiến Xuân và Yên Trung. Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đời sống vật chất và tinh thần của người dân 3 xã có nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp (4,2-7 triệu đồng/người/năm); số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao (7,49%-21,25%); cơ sở hạ tầng thiếu, xuống cấp… Từ khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 đến nay, được sự quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là TP Hà Nội, tình hình kinh tế, xã hội của 3 xã có bước phát triển vững chắc, an ninh chính trị ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt. Cụ thể, trong 9 năm qua, 3 xã đã được đầu tư 107 dự án với tổng số vốn trên 597 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 33-38 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,89-3,24%...

Ông Nguyễn Hồng Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai:
Thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội

Trong 9 năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Quốc Oai luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu như hôm nay, đặc biệt là kết quả trong thực hiện chính sách về an sinh xã hội đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Từ chỗ gặp khó khăn, đến nay, hầu hết các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.

Các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho những đối tượng này cũng được quan tâm. Chỉ tính từ quý IV-2016 đến nay, 1.043 hộ nghèo trên địa bàn đã được hỗ trợ bò sinh sản, xe máy, sổ tiết kiệm, với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng; hàng trăm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở. Chương trình hỗ trợ y tế, tiền điện cho người nghèo, cận nghèo cũng được quan tâm hơn rất nhiều so với trước đây.

Bà Nguyễn Thị Huệ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh:
Xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của đất nước

Qua theo dõi tôi được biết, một trong những mảng việc được ưu tiên thực hiện sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính là công tác quy hoạch. Trong 9 năm qua, công tác quy hoạch của Thủ đô đã cơ bản được hoàn thiện. Song song với đó là Hà Nội đã và đang đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối khu vực nội thành với ngoại thành và các tỉnh khác. Các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, trục đường chính trong đô thị và nhiều công trình lớn, hiện đại hoàn thành đã góp phần làm cho diện mạo đô thị tưng bước văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn đang đối mặt với không ít tồn tại, đó là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm..., đã gây không ít lo ngại trong nhân dân. Tôi mong rằng những năm tới, Hà Nội tiếp tục quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp để đưa Thủ đô phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của đất nước.

Ông Nguyễn Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Sở, huyện Hoài Đức:
Nông thôn mới khởi sắc

Trong 9 năm qua, chặng đường chưa phải là dài, song xã Yên Sở đã có sự thay đổi nhanh chóng nhờ sự quan tâm đầu tư về mọi mặt của huyện Hoài Đức và TP Hà Nội. Còn nhớ ngày mới về với Thủ đô được ít ngày, đợt mưa, úng cuối năm 2008 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhưng nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời của TP Hà Nội khi đó mà nhiều hộ gia đình đã dần khôi phục sản xuất.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn được thành phố và huyện đầu tư kinh phí xây dựng khang trang, hiện đại. Trong đó phải kể đến 3 trường học (trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND và các đoàn thể, cùng nhiều công trình phục vụ dân sinh khác như đường giao thông, nhà văn hóa… Kết quả đến cuối năm 2012, xã Yên Sở đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Hoàng Minh