Người giữ nghề đậu bạc Định Công

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:09, 02/08/2017

(HNM) - Nói về bốn nghề tinh hoa nhất Thăng Long xưa, người đời thường có câu: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Nhưng từ đầu thế kỷ XXI, tại cái nôi nghề kim hoàn đã không còn mấy ai theo nghề truyền thống.

Anh Quách Phan Tuấn Anh luôn trăn trở với việc giữ nghề truyền thống làng Định Công.


Nối nghiệp cha ông

Đi dọc phố Định Công, những xưởng đậu bạc ngày xưa, nay đã không còn, thay vào đó là những hàng quán, cửa hiệu khang trang mọc san sát nhau. Khi hỏi người dân đường đến xưởng đậu bạc của gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường, ai nấy đều ngơ ngác. Có lẽ cái tên đó đã quá xa lạ với những người dân nơi đây? Bỗng nhiên, tiếng nói của một cụ bà cất lên từ quán tạp hóa bên kia đường: “Ông Trường đã nghỉ đậu bạc lâu rồi. Anh đi thẳng, đến cuối đường thì rẽ vào ngõ 230, men theo tay trái rẽ vào cái ngách đầu tiên và đi thẳng là tới”...

Trong vườn nhà, nghệ nhân Quách Văn Trường với dáng người lom khom, râu, tóc bạc phơ đang mải mê chăm sóc những chậu cây cảnh. Ông tạm dừng công việc ra mở cổng và mời những vị “khách không mời” vào nhà. Ngồi xuống ghế, rót chén trà, ông kể lại chuyện nghề: “Ở kinh thành Thăng Long xưa, nhắc tới kim hoàn không ai không biết đến làng Định Công. Thời của tôi, những đứa trẻ khi mới lên 10 tuổi đã biết đậu và có thể phụ giúp gia đình. Nhưng ngày đó đã xa rồi… Giờ thì chẳng còn mấy ai theo nghề, cả phường Định Công chỉ còn 2 xưởng đậu bạc, một là nhà tôi, thứ hai là nhà nghệ nhân Quách Văn Hiểu”.

Dứt câu chuyện, ông dẫn khách đến xưởng đậu bạc của gia đình rộng hơn 30m2, nằm bên cạnh đền thờ tổ nghề kim hoàn, trên phố Bùi Xương Trạch. Bên trong xưởng là 6 người thợ đang cặm cụi mài, miết, uốn và khò bạc. Dường như họ không còn biết đến sự tồn tại của vạn vật xung quanh. Đứng một hồi, ông Trường mới gõ nhẹ vào cánh cửa sắt, tiếng động khiến mọi người tạm dừng tay. Một người đàn ông trung niên vội chạy ra chào và mời khách vào nhà. Hóa ra đó là con trai út của ông, anh Quách Phan Tuấn Anh. Vừa dẫn khách đi tham quan một vòng đền thờ tổ nghề kim hoàn và khu xưởng sản xuất, anh vừa kể về duyên cớ bén nghề của mình.

Ngay từ nhỏ, Tuấn Anh đã được tiếp xúc với nghề, từ khâu nấu bạc, kéo bạc thành sợi đến tết sợi thành sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc đầu, anh không thích nghề nên chỉ “làm cho vui”. Nhưng làm nhiều lại bị cuốn theo nó, anh dần thấu hiểu và yêu công việc của cha mình hơn. Anh kể: “Có lần, một khách đến đặt hàng hơn một nghìn sản phẩm, nhưng bố tôi từ chối vì một mình ông không kham nổi. Tôi tiếc lắm... Chính điều này đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để giúp bố giữ nghề".

Năm 2003, tuy đã cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay, Tuấn Anh vẫn quyết định ở nhà để theo học nghề. Thấy sự quyết tâm của con, ông Trường đã động viên và tận tình chỉ dạy cho anh những kinh nghiệm, kỹ năng làm nghề. Vốn nhanh nhẹn, ham học hỏi, lại có tình yêu nghề, chỉ sau vài năm, anh đã thạo việc. Anh chia sẻ: “Khi theo nghề, tôi mới cảm nhận được cái khó và sự vất vả mà bố tôi đã trải qua. Nhất là khâu ghép hoàn chỉnh sản phẩm, khi non tay, cứ ghép chỗ này lại hỏng chỗ kia, nhiều lúc chỉ muốn khóc”. Sau mỗi lần làm hỏng, anh lại rút ra được kinh nghiệm cho bản thân và có thêm động lực để theo nghề.

Truyền nghề và phát triển

Theo anh Tuấn Anh, để thạo nghề đã khó, trở thành một người thợ giỏi lại càng khó hơn. Mỗi sản phẩm làm ra phải qua rất nhiều công đoạn, mất thời gian, đòi hỏi người thợ phải có lòng yêu nghề, tính kiên trì, sự khéo léo và cả kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm làm việc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến ít người bám nghề kim hoàn ở Định Công.

Càng ngày, nghề kim hoàn Định Công càng bị mai một. Từ đầu thế kỷ XXI, người dân nơi đây đã chuyển sang sản xuất công nghiệp, khiến giá thành sản phẩm bị đẩy xuống thấp. Một ngày, xưởng sản xuất bạc công nghiệp có thể cho ra hàng trăm sản phẩm như: Nhẫn, dây chuyền, hoa tai… với mẫu mã đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn. Còn những sản phẩm thủ công phải mất nhiều thời gian vì trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ như: Cán kéo, rút thành từng sợi bạc như sợi chỉ, bện sợi bạc lại với nhau rồi uốn sợi… Những sản phẩm thủ công tinh xảo là vậy, mất nhiều công và nhiều thời gian là vậy mà giá thành lại không thể quá cao... khiến chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề.

Tình yêu, niềm đam mê với nghề đã thôi thúc anh Tuấn Anh tìm hướng đi mới để gìn giữ và phát triển nghề quý của cha ông. Năm 2005, anh quyết định mở lớp dạy đậu bạc miễn phí nhằm lan tỏa nghề và tìm ra những người có chung niềm đam mê. Ngày đầu không có vốn, anh phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền thuê xưởng, sắm sửa đồ nghề và mua bạc cho các học viên thực hành. Anh tâm sự: “Ngày đầu, lớp có gần 20 học viên, nhưng sau vài tháng con số cứ vơi dần. Lúc đó, tôi cảm thấy rất thất vọng, bao nhiêu công sức, tâm huyết như đổ xuống sông, xuống biển”.

Sau nhiều đêm nằm suy nghĩ, anh đã nhận ra rằng, chỉ truyền nghề bằng tâm huyết thôi là chưa đủ. Những người thợ cần có một công việc lâu dài và thu nhập ổn định. Từ đó, để có nhiều việc làm, anh đã nảy ra ý tưởng sản xuất sản phẩm độc quyền và ký gửi tại các cửa hàng vàng bạc. Dần dần, tên tuổi của xưởng được khẳng định trên thị trường, anh đã phát triển thêm dòng sản phẩm lưu niệm như: Hình ảnh Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Phố cổ…

Đỗ Đức Ngọc, một công nhân trong xưởng có hơn 6 năm theo nghề chia sẻ: “Hơn 2 năm trước, em làm bạc theo kiểu công nghiệp cho một hiệu vàng ở Thái Bình, nhưng cứ chạy theo số lượng như vậy sẽ hỏng hết tay nghề nên em quyết định đến đây để sống với niềm đam mê và hoàn thiện trình độ”. Ở đây, Ngọc không chỉ được thầy dạy cho những kỹ thuật đậu tinh xảo mà còn được truyền cảm hứng, sự nhiệt huyết, tình yêu với nghề và hơn cả là cách làm người.

Tuy đầu ra cho sản phẩm đậu bạc đã ổn định, nhưng anh Tuấn Anh vẫn luôn đau đáu trong lòng một việc là ngay giữa cái nôi của nghề đậu bạc phường Định Công, lại không có lấy một cửa hàng bày bán sản phẩm đậu bạc đúng nghĩa. Anh quả quyết: “Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng dựng một không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại đền thờ tổ nghề và biến nơi đây thành một địa chỉ hấp dẫn để thu hút khách du lịch”.

Với sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết và tình yêu với nghề của những người như anh Quách Phan Tuấn Anh, hy vọng nghề đậu bạc nức tiếng kinh thành Thăng Long xưa sẽ khởi sắc...

Quang Thái