Tháng 7 về Quảng Trị

Giới trẻ - Ngày đăng : 15:14, 02/08/2017

(HNMO) - Trở lại Quảng Trị, trời tháng 7 ở đây có gì như đổi khác. Bao sắc mây ngổn ngang, cơn dông cuối trời ảnh hưởng từ cơn bão số 4 âm ỉ. Không gian như nén lại và vỡ òa khi những cơn mưa rào đến nhanh rồi chợt tạnh sững sờ.


Vẫn giữ địa bàn chiến lược

Cuộc chiến ác liệt 81 ngày đêm đã khép lại non nửa thế kỷ, sông Thạch Hãn nước đã trong. Cầu Hiền Lương đã trở thành bảo tàng nối đôi bờ Bến Hải, thần thái núi sông đã bình yên. Thế nhưng vẫn còn kia, hàng nghìn, hàng nghìn ngôi mộ đá có danh và vô danh đứng thẳng hàng trong các nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn… họ là những chàng trai, những người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống vì mảnh đất này. 

Những ân tình đáp đền cho những máu xương đổ xuống Quảng Trị đến ngay sau ngày vùng giải phóng Quảng Trị được mở rộng đến bờ Bắc sông Thạch Hãn. Vùng đất mới ngổn ngang sắt thép và bom đạn, phố xá, làng mạc xơ xác, tiêu điều, nhưng để thực hiện việc cung cấp điện phục vụ khôi phục vùng đất mới giải phóng, tháng 7-1973, một đoàn công tác đặc biệt đã được cử vào Đông Hà - Quảng Trị. 15 tổ máy phát điện diesel có công suất từ 10 đến 50kW được đặt rải khắp vùng đất mới giải phóng từ bờ Nam cầu Hiền Lương (sông Bến Hải) đến bờ Bắc cầu Thạch Hãn (sông Thạch Hãn). Cùng với chính quyền địa phương, đoàn công tác bắt tay vào nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới điện lực nhằm phục vụ yêu cầu chính trị, quốc phòng, phát triển kinh tế và dân sinh trước mắt cũng như lâu dài.

Hơn bốn mươi nhăm năm đã trôi qua, hôm nay, cũng một ngày hè đỏ lửa, đứng trên mảnh đất chiến trường xưa một thời lửa đạn, chẳng thể tìm ra dấu tích của bom đạn ngày xưa đã quần nát nơi đây, bến vượt Tích Tường, bến đò Như Lệ, chốt Bãi Mít giờ chỉ còn trong ký ức. Tất cả đi vào lịch sử của vùng đất. Quảng Trị đã thực sự hồi sinh.

Chiếc xe chạy về hướng cửa khẩu La Lay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay của huyện Đakrông - vùng đất biên giới Việt - Lào. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã được mở rộng và tỉnh Quảng Trị nâng cấp cửa khẩu La Lay thành cửa khẩu quốc tế, từ thành phố Đông Hà lên cửa khẩu La Lay đi bằng ô tô hết sức thuận lợi. Hai bên đường, nhiều hộ gia đình trước đây ở trong núi sâu đã ra làm nhà, mở cơ sở buôn bán, kinh doanh, đời sống cả vật chất lẫn tinh thần đã có bước cải thiện đáng kể.


Nguồn vốn từ chương trình 134, 135 và gần đây là chương trình 30a của Chính phủ đã được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Từ cuối năm 2007, điện lưới quốc gia đã đến 100% xã đất liền của Quảng Trị, với hơn 98% số hộ dân được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia. Đến năm 2010, Công ty Điện lực Quảng Trị đã tiếp nhận hoàn thành toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn và tổ chức bán điện trực tiếp đến 100% hộ dân, là đơn vị đầu tiên trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên hoàn thành sớm và hoàn thành 100% việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn.

Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Quảng Trị triển khai cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện khu vực nông thôn. Cùng với việc bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Công ty Điện lực Quảng Trị được giao xây dựng, quản lý và vận hành lưới điện bán điện qua các huyện thuộc tỉnh Savanakhet, Sanavan nước CHDCND Lào.

Điểm bán điện qua cửa khẩu La Lay cấp điện cho các huyện Samuôi và Tàôi của nước bạn Lào. Do địa hình khu vực này có nhiều đèo dốc hiểm trở, đường sá đất đá gập ghềnh và qua nhiều khe suối, mặt khác mật độ dân cư tại các huyện giáp biên giới thưa thớt nên mạng lưới điện chưa được phát triển so với các huyện thuộc tỉnh Savanakhet. Tuy nhiên, đây là một dự án có tính chiến lược lâu dài, không chỉ phục vụ nhu cầu dân sinh mà còn phát triển công nghiệp ở hai bên biên giới khi cửa khẩu được đầu tư, nâng cấp.

Phục vụ "thượng đế" tận tình

Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên địa bàn chiến lược, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) còn phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ mang tính quyết định là kinh doanh. Để hoàn thành nhiệm vụ này, PC Quang Trị đã triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp với mục tiêu khẳng định giá trị cốt lõi của một ngành dịch vụ trong xã hội. PC Quảng Trị chú trọng công tác giao tiếp phục vụ khách hàng, với phong cách tận tình, chu đáo và tạo điều kiện thuận tiện nhất cho khách hàng sử dụng điện.

Phó Giám đốc PC Quảng Trị Phan Văn Vĩnh cho biết, PC Quảng Trị đã triển khai thu thập số liệu công tơ tự động RF-SPIDER cho 62.476 khách hàng, chiếm 33% khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Áp dụng thiết bị thông minh trong công tác khảo sát cấp điện mới và ghi chỉ số công tơ điện của khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Cấp điện mới bằng thiết bị thông minh, mang lại nhiều lợi ích trong công tác khảo sát, cấp điện cho khách hàng, giúp giải quyết thủ tục cấp điện được thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng. Ghi chỉ số bằng thiết bị thông minh giúp giảm thời gian ghi, nhập chỉ số, ra hóa đơn và hạn chế sai sót trong quá trình ghi chỉ số.

Ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh đã giúp khách hàng nhận được các thông tin như lịch cắt điện, thông báo tiền điện, thông báo thanh toán tiền điện, thông báo nợ tiền điện, thông tin sự cố mất điện. Ngoài ra, còn nhiều thông báo khác như: Lịch ghi điện, điểm thu tiền điện, lịch cắt điện, chỉ số điện năng tiêu thụ, thông tin thanh toán tiền điện, tra cứu hóa đơn điện tử, đăng ký các dịch vụ cấp điện mới, thay đổi thông tin khách hàng, yêu cầu thay đổi công suất, yêu cầu di dời công tơ. Vì vậy, đến nay đã có 4.958 khách hàng trên toàn tỉnh cài đặt và sử dụng trên điện thoại thông minh.

Trước đây, khách hàng gần như bị động trong việc sử dụng điện, không kiểm soát được sản lượng tiêu thụ điện của gia đình mình, thì nay, với tiện ích từ hệ thống RF-Spider, khách hàng được cung cấp một công cụ trực quan để có thể kiểm tra tình hình sử dụng điện của gia đình mình ở mọi thời điểm từ mạng internet với đầy đủ số liệu quá khứ và hiện tại, giúp khách hàng điều chỉnh mức độ sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, khách hàng có thể quan sát, giám sát vị trí lắp đặt thiết bị đo đếm sản lượng tiêu thụ điện của mình. Đây là một hình thức công khai, minh bạch trong hoạt động đo đếm điện năng của ngành điện đối với khách hàng.

Hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa sẽ giảm lượng nhân công ghi chỉ số công tơ trực tiếp tại nhà của khách hàng sử dụng điện, đồng nghĩa với tăng năng suất lao động, tránh được sai sót do lỗi chủ quan của công nhân đi ghi chỉ số công tơ, rút ngắn thời gian phát hành hóa đơn; quản lý tổn thất điện năng tốt hơn nhờ theo dõi được chính xác tỉ lệ tổn thất và tình trạng vận hành của trạm biến áp từng thời điểm, nhanh chóng phát hiện sai sót trong hệ thống đo đếm…

PC Quảng Trị cũng đã đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện để khách hàng lựa chọn, như: Trích nợ tự động tài khoản, thanh toán qua Internet banking/Mobile banking, thanh toán tại phòng giao dịch các ngân hàng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, thanh toán tại phòng giao dịch khách hàng của các Điện lực đóng trên địa bàn... Đến nay, 6 ngân hàng thương mại trên địa bàn đang hợp tác với PC Quảng Trị triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện. Ngoài ra, PC Quảng Trị ký hợp đồng hợp tác thu hộ với Bưu điện tỉnh Quảng Trị và thanh toán tiền điện qua kênh Bank Plus với Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel)…

***

Tháng 7, về vùng đất thiêng Quảng Trị, chúng tôi càng thấu hiểu những giá trị mà các anh hùng liệt sỹ ngày hôm qua đã dùng xương máu và tuổi thanh xuân để tạo nên. Trong dòng khói nhang, trong ánh nến hoa đăng, cuộc sống ở Quảng Trị ngày nay còn được thắp sáng bằng những ánh điện lung linh.

Thanh Mai