Ngành trồng trọt đối diện nhiều thách thức
Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 02/08/2017
Nông dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) chăm sóc cây hoa. Ảnh: Bá Hoạt |
Thách thức từ thời tiết
Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ có gần 20ha trồng rau màu, thế nhưng theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng thì nắng nóng bất thường và mưa lớn kéo dài triền miên làm hư hại hầu hết diện tích rau màu của nông dân trên địa bàn xã. Có gia đình bỏ ruộng không sản xuất, bởi gieo trồng những ngày nắng nóng không hiệu quả, chi phí chăm sóc cao hơn từ 3 đến 5% so với ngày thường. Trong 6 tháng qua nhiều diện tích trồng rau ở địa phương bị hư hại, nông dân không thu được vốn đầu tư và ngày công lao động.
Ở lĩnh vực trồng trọt của Hà Nội, hoa chất lượng cao và cây ăn quả là hai cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nghề trồng hoa, cây ăn quả đang gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Đăng Tiến (thôn Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) chia sẻ: Gia đình tôi có gần 1ha trồng hoa ly, mọi năm thời tiết thuận lợi, với giá bán bình quân 1 bó hoa 10 cành từ 200.000 đến 350.000 đồng, mỗi năm thu gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016 đến nay, diễn biến thời tiết bất thường, thời gian nắng nóng kéo dài nên trồng hoa bị ảnh hưởng và không có lãi...
Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa đan xen kéo dài cũng ảnh hưởng lớn đến trồng cây ăn quả ở nhiều địa phương của Hà Nội. Anh Đặng Hữu Hùng (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) cho biết: Đợt nắng nóng kỷ lục chưa từng có trong vài chục năm qua xảy ra ở Hà Nội mới đây đúng thời điểm bưởi Diễn đang phát triển dinh dưỡng chuẩn bị ra hoa. Do vậy, anh đang lo lắng không biết vụ bưởi năm nay có bị mất mùa giống như những năm trước?
Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa, sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc vào thời tiết, nguồn giống và thị trường. Đối với trồng trọt của Hà Nội, năm nay phải đối diện với những diễn biến khó lường của thời tiết, trong khi nhiều giống hoa chất lượng cao phải nhập khẩu, sản xuất rau màu chịu nhiều chi phối trên thị trường… Đây là những thách thức lớn của ngành trồng trọt Hà Nội đang đối mặt.
Ngoài ra, do tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp. Đơn cử diện tích cây trồng vụ xuân năm nay của Hà Nội giảm hơn 2.550ha, chủ yếu là diện tích trồng lúa.
Tìm cách để thúc đẩy tăng trưởng
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hà Nội cần dựa vào dự báo thời tiết để đưa ra những khuyến cáo về thời điểm gieo trồng để giảm thấp nhất những thiệt hại có thể. Ví dụ, đối với cây hoa, nên trồng rải vụ, thời điểm xuống giống nên chia ra các đợt cách nhau 5 đến 7 ngày. Nên nghiên cứu đưa bộ giống lúa chuẩn vào sản xuất bởi diện tích lúa của Hà Nội không lớn, song đây là nguồn lương thực chính, bảo đảm an ninh lương thực. Do đó, việc trồng lúa cần được duy trì, diện tích lúa có thể giảm song năng suất, chất lượng cần được nâng cao. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần tập trung phát triển hoa cây cảnh, cây ăn quả đặc sản. Cùng với đó, nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất những dòng cây trồng chủ lực đã được thành phố hoạch định.
Từ thực tế của địa phương, ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho rằng, để đáp ứng nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành trồng trọt nên chuyển sang canh tác theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện Hoài Đức đang triển khai ứng dụng công nghệ cao tại vùng trồng rau an toàn rộng 55ha tại xã Tiền Yên để nâng cao giá trị nông sản. Còn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông La đã đầu tư phát triển giống nuôi cấy mô trồng hoa lan. Thời gian tới, huyện Hoài Đức tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ trong việc trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như phật thủ, cam Canh, bưởi Diễn…
Triển khai thực hiện tái cơ cấu trồng trọt cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã có chuyển biến đúng hướng. Đến nay, thành phố đã hình thành được 38 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó một số huyện phát triển nhiều mô hình như Sóc Sơn (8 mô hình), Thanh Trì (6 mô hình), Quốc Oai (5 mô hình), Phúc Thọ (4 mô hình)… Hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại đạt từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng trên một héc ta canh tác của nông dân.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đối với từng lĩnh vực cây trồng, ngành Nông nghiệp tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học để tăng năng suất, chất lượng. Quy mô sản xuất của một số loại cây trồng cũng được mở rộng để giảm giá thành, tăng cạnh tranh và giá trị gia tăng, điển hình như xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn...