Cảnh giác với lừa đảo nợ cước qua điện thoại!

Pháp luật - Ngày đăng : 06:38, 03/08/2017

(HNM) - Hiện tượng lừa đảo nhắc nợ cước qua điện thoại đã xảy ra từ vài năm trước, nhưng gần đây bùng phát trở lại.

Hiện tượng lừa đảo nhắc nợ cước qua điện thoại đang bùng phát trở lại.


Giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo

Trong tháng 7-2017, Công an thành phố đã điều tra, bắt tạm giam một nhóm đối tượng từ tỉnh ngoài về Hà Nội thuê trọ trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, gọi điện giả danh cơ quan công an thực hiện các thủ đoạn chiếm đoạt tiền của người dân trị giá 1,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm đối tượng này móc nối với đối tượng sống tại Trung Quốc, mua lại chứng minh thư nhân dân - CMTND (tại các hiệu cầm đồ) hoặc nhặt được của người đánh mất, thay ảnh, đến mở tài khoản tại ngân hàng và dùng để lừa “nạn nhân” chuyển tiền vào (hưởng 10% số tiền lừa đảo), sau đó dùng dịch vụ internet banking chuyển tiền cho đối tượng sống ở Trung Quốc.

Theo Thượng tá Ngô Minh An, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an thành phố, các đối tượng lừa đảo thường giả danh đại diện của cơ quan công an, hoặc viện kiểm sát, tòa án gọi đến số cố định của người dân vào giữa giờ làm việc thông báo thuê bao đang nợ số tiền lên đến nhiều triệu đồng. Sau đó, đối tượng hỏi gia chủ địa chỉ đang ở, số di động, có làm sổ tiết kiệm, có tài khoản ngân hàng hay không, đã bị mất CMTND bao giờ chưa...

Nếu gặp người dân cảnh giác, chúng sẽ dập máy. Còn với người “nhẹ dạ”, trót cung cấp thông tin, chúng sẽ tiếp tục khai thác: Thông báo số tài khoản ngân hàng mà người dân đang sử dụng có liên quan đến đối tượng tội phạm lừa đảo, ma túy… Khi người dân thắc mắc, chúng sẽ giải thích là do người dân đánh mất CMTND nên bị các đối tượng xấu sử dụng để mở tài khoản và đã chuyển nhầm số tiền lên tới vài tỷ đồng.

Để minh chứng cho cuộc gọi điện thoại là “thật”, chúng dặn người dân có thể nói chuyện với thủ trưởng của chúng và ngay lập tức, chúng thao tác bấm số bàn phím (để người dân nghe được) vờ chuyển cuộc gọi - nhưng thực chất là đưa máy cho đồng bọn ngồi bên cạnh - để tiếp tục “kịch bản”. Chúng còn đề nghị được gọi thẳng đến số di động của người dân để từ đó người dân gọi thẳng đến số cố định hiện trên màn hình (thực tế là số cố định trực ban của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án) kiểm tra, tránh nghi ngờ.

“Do các cuộc gọi lừa đảo đều sử dụng phần mềm trên internet nên chúng đã tự thiết lập số điện thoại giả lập trên internet (là số điện thoại của trực ban cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án nhằm mục đích tạo sự tin cậy để thực hiện phi vụ lừa đảo), các số điện thoại này đều có dấu cộng đằng trước...” - Thượng tá Ngô Minh An cho biết.

Sau khi “con mồi” “cắn câu”, các đối tượng xấu cung cấp số tài khoản của chúng và yêu cầu người dân đến ngân hàng thực hiện chuyển tiền kèm với khẳng định: "Nếu không liên quan đến các đối tượng lừa đảo buôn bán ma túy, sẽ trả lại tiền". Ngay sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do người Việt Nam đứng tên (được hưởng lợi 10%), người này có trách nhiệm chuyển internet banking cho tài khoản khác vốn là đối tượng tội phạm sống ở nước ngoài.

Cần nâng cao nhận thức

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo, giả danh công an bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ.


Trong hai năm 2015 - 2016, Công an TP Hà Nội đã nhận được báo cáo, điều tra bắt 5 nhóm gồm 20 đối tượng lừa đảo nợ cước qua điện thoại. Các nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt khoảng 50 tỷ đồng của các nạn nhân. Tuy nhiên, trong số này, cơ quan công an phối hợp với ngân hàng chỉ phong tỏa được 5 tỷ đồng.

“Cần lưu ý thêm là các đối tượng lợi dụng kẽ hở trong quy định của ngân hàng, nên thường chọn cuối tuần để chuyển tiền chiếm đoạt được ra nước ngoài” - Thượng tá Ngô Minh An cho biết.

Để người dân khỏi bị mắc lừa, Công an thành phố khẳng định các lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án Hà Nội không thực hiện điều tra, thẩm vấn, xác minh... tội phạm qua điện thoại, điện thoại di động. Vì cơ quan công an khi thực hiện xác minh đều có giấy mời, giấy triệu tập thông qua chính quyền địa phương - nơi công dân cư trú. Ngành Công an cũng không mở tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân bất kỳ nào đại diện cho cơ quan công an.

Đặc biệt, Công an thành phố khuyến cáo người dân không được phép cho mượn CMTND để mở tài khoản ngân hàng, hoặc biết rõ bị lợi dụng mà vẫn cho mượn CMTND (dưới hình thức thuê hưởng phần trăm) để đối tượng xấu sử dụng đi lừa đảo.

Việt Nga