Giải quyết thủ tục hành chính: Khắc phục triệt để việc chậm trả kết quả
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 03/08/2017
Anh Nguyễn Văn Đoàn (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm) nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ mai táng phí đối với người có công với cách mạng từ trần cho mẹ là bà Nguyễn Thị Nhiên từ giữa tháng 4-2017, nhưng đến đầu tháng 6-2017 mới nhận được kết quả. Đây là thủ tục liên thông và theo quy định, thời gian giải quyết là 30 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trưởng bộ phận “một cửa” của UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Quang lý giải: “Sau khi xem xét thẩm định hồ sơ, ngày 28-4, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gia Lâm đã chuyển hồ sơ tới bộ phận “một cửa” của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Như vậy là đã bảo đảm thời gian thực hiện đúng quy trình tại huyện. Tuy nhiên, công dân không nhận được kết quả đúng hẹn do bộ phận “một cửa” của UBND huyện hẹn trả hồ sơ về UBND xã ngày 19-5, nhưng đến ngày 6-6 mới nhận được kết quả từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội”.
Đây là một ví dụ trong nhiều trường hợp công dân vẫn phải chờ đợi kết quả lâu hơn thời gian quy định. Hồ sơ bị chậm muộn thường tập trung ở một số lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng… Nguyên nhân một phần do đây là những thủ tục hành chính có nhiều thành phần hồ sơ, nếu cán bộ không kiểm tra kỹ, tiếp nhận hồ sơ không đủ nhưng vẫn chuyển lên cơ quan cấp trên theo quy trình liên thông thì sẽ mất thêm thời gian để bổ sung. Nguyên nhân nữa là do chưa phải cơ quan nào cũng thực hiện đúng quy trình giải quyết hồ sơ của đơn vị mình.
Quyết định 07/2016/QĐ-UBND ngày 8-3-2016 của UBND TP Hà Nội “Về việc ban hành quy định thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội” quy định rõ: "Đối với hồ sơ quá hạn giải quyết, phải chuyển văn bản xin lỗi của cơ quan làm quá hạn giải quyết cho cá nhân, tổ chức (trong đó, nêu rõ lý do quá hạn và thời hạn trả kết quả lần sau)". Thực hiện quy định này, nhiều cơ quan, đơn vị đã gửi thư xin lỗi công dân khi chậm trả hồ sơ. Song, đối với các thủ tục hành chính liên thông, chưa phải cơ quan nào để xảy ra chậm muộn cũng “tự giác” xin lỗi.
Hiện tại, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là 1.840 (cấp sở là 1.393, cấp huyện là 298, cấp xã là 149). Mặc dù những năm gần đây, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hạn của toàn thành phố đang có chiều hướng gia tăng theo hướng rất tích cực (năm 2015 đạt gần 99%; năm 2016 đạt hơn 99%), nhưng chưa có đơn vị nào đạt tỷ lệ 100%. Mục tiêu của TP Hà Nội là phấn đấu đến năm 2020, 100% thủ tục hành chính có liên quan đến tổ chức và cá nhân được thực hiện thông qua cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn.
Để đạt mục tiêu đó, ngay từ bây giờ, các đơn vị cần xây dựng và thực hiện quy trình nội bộ cũng như quy chế phối hợp giữa các đơn vị để khắc phục những bất cập nêu trên. Đặc biệt, phòng nội vụ và lãnh đạo các cơ quan cần theo dõi, đánh giá, có hình thức xử lý nghiêm đối với công chức giải quyết hồ sơ quá hạn nhiều lần không có lý do chính đáng.