Cải cách hành chính trong ngành BHXH: Tháo gỡ nhiều vướng mắc
Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 04/08/2017
Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” của BHXH quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội). |
Thời gian giao dịch dự kiến còn 45 giờ/năm
Trong năm 2016, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã cắt giảm số thủ tục hành chính từ 115, xuống còn 32; giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện. Giao dịch điện tử lĩnh vực thu và cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được tăng cường ứng dụng. Hiện 90% số doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch điện tử. Thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp với cơ quan BHXH dự kiến giảm còn 45 giờ/năm.
Thông qua phần mềm giao dịch điện tử, doanh nghiệp có thể kê khai và nộp hồ sơ BHXH cho cơ quan BHXH thông qua Cổng thông tin điện tử hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ. Trong năm, BHXH Việt Nam cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 236.546 đơn vị... Ngành thường xuyên sửa đổi, hoàn thiện quy trình, hồ sơ trong tất cả các lĩnh vực, từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả chế độ theo hướng ngày càng giảm bớt các thủ tục, đơn giản các biểu mẫu, tiêu chí... Văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ của cán bộ, viên chức ngành BHXH cũng đã có những chuyển biến tích cực.
Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Thuế trao đổi thông tin về doanh nghiệp; phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thu thập, rà soát, nhập và đồng bộ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT. BHXH cũng chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, chuyển phát hồ sơ BHXH qua dịch vụ bưu chính, đồng thời phối hợp với các ngân hàng thương mại và các tổ chức dịch vụ thực hiện việc thu BHYT, BHXH tự nguyện...
Đáng lưu ý, hai dự án công nghệ thông tin được triển khai trong năm vừa qua đã có ảnh hưởng lớn đến quá trình hiện đại hóa của ngành. Đó là hệ thống kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc để cung cấp, tra cứu dữ liệu thẻ BHYT và giám định chi phí khám, chữa bệnh. Đến nay, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với 99,5% cơ sở khám, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình để cập nhật, cấp số định danh duy nhất cho mỗi cá nhân, tạo thuận lợi cho người dân giao dịch với bất kỳ cơ quan BHXH nào trên toàn quốc.
Giảm nhiều phiền hà
Trong giai đoạn đầu thực hiện Luật BHYT, một trong những thủ tục mà người dân gặp nhiều vướng mắc nhất là việc mua BHYT hộ gia đình. Người dân muốn tham gia BHYT phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình. Do các quy định về cư trú, tạm trú chưa được thực hiện nghiêm túc, còn nhiều gia đình có thành viên đi làm ăn xa hoặc đi nước ngoài không thực hiện khai báo tạm vắng tại nơi cư trú. Bởi vậy, khi người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình khó chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên còn lại. Có những trường hợp không có nhu cầu mua thẻ BHYT tại nơi cư trú, nhưng không có cơ sở loại trừ khỏi diện tham gia BHYT theo hộ gia đình, do cơ quan công an không xác nhận tạm vắng.
Để tháo gỡ những vướng mắc, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố không yêu cầu người tham gia BHYT theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia BHYT của thành viên trong hộ gia đình. Người dân không phải photocopy thẻ của thành viên gia đình đã tham gia BHYT; không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc về trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã. Ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam khẳng định, việc cải cách thủ tục hành chính trong công tác BHYT hộ gia đình đã được thực hiện rất triệt để, đến mức “không còn cái gì để cải cách nữa”. Người mua hiện chỉ cần một tờ khai để tự khai, đăng ký mua và đóng tiền cho đại lý.
Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn tình trạng người dân thiếu thông tin nên e ngại mua BHYT. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, không chỉ người dân mà ngay cả một số cán bộ, công chức cũng không nắm được phải mua BHYT ở đâu. Việc cải cách dẫu triệt để nhưng vẫn trên lý thuyết và ở một số nơi vẫn yêu cầu người dân xuất trình hộ khẩu khi mua BHYT. Ông Phạm Lương Sơn đề nghị Ban Thu, BHXH Việt Nam tăng cường kiểm tra đột xuất, lập biên bản, phê bình, xử lý các đơn vị này.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã đơn giản hóa nhiều thủ tục, giảm thời gian chờ đợi liên quan tới cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Thời gian cấp mới sổ BHXH, thẻ BHYT, xác nhận sổ BHXH được điều chỉnh từ 7 ngày xuống 5 ngày. Thời gian cấp lại sổ BHXH do thay đổi các nội dung trên sổ (họ, tên, ngày, tháng, năm sinh...) không quá 10 ngày, theo quy định trước đây là 15 ngày. Việc cấp lại thẻ BHYT, cấp đổi giảm còn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ và nhận ngay trong ngày với trường hợp không thay đổi thông tin.
Để giảm phiền hà cho người lao động, cơ quan chức năng cũng đã bỏ quy định phải nộp lại sổ đối với trường hợp cấp lại sổ BHXH do hỏng. Khi giảm lao động, đơn vị lập danh sách báo giảm, không phải nộp kèm theo thẻ cũ còn hạn sử dụng. Quy định thu phí cấp lại, đổi thẻ cũng đã được bãi bỏ. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã bỏ quy định về thời hạn sử dụng thẻ BHYT; bổ sung quy định thời điểm thẻ có giá trị sử dụng để người lao động có thể sử dụng thẻ dài hạn.