Bài đầu: Thời cơ trong thách thức

Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 04/08/2017

(HNM) - Quá trình đô thị hóa thực sự tạo ra không ít thách thức mới tác động đến cuộc sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, ngay trong thách thức cũng có rất nhiều thời cơ.


Quá trình đô thị hóa thực sự tạo ra không ít thách thức mới tác động đến cuộc sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, ngay trong thách thức cũng có rất nhiều thời cơ. Công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển, hạ tầng kỹ thuật nông thôn được đầu tư khang trang... là điều kiện để ngoại thành Hà Nội thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.


Khu đô thị Nam An Khánh thuộc xã An Khánh (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt


Đổi thay ở những “phố làng”

Sau 4 năm trở thành xã nông thôn mới, diện mạo xã An Khánh (huyện Hoài Đức) đã có nhiều đổi thay. Vây quanh những xóm làng bình yên là Khu đô thị Bắc An Khánh và Nam An Khánh với những tòa nhà chung cư cao tầng. Nhịp sống của người dân ven đô sôi động hơn nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra khá tấp nập.

“Từ xã thuần nông với 500ha đất nông nghiệp, giờ đây địa phương chúng tôi chỉ còn 100ha và cũng đã nằm trong quy hoạch sắp tới sẽ thu hồi. Không còn ruộng, nông dân An Khánh chuyển sang làm công nhân trong cụm công nghiệp, kinh doanh, buôn bán. Dẫu còn nhiều vất vả nhưng thu nhập từ ngành, nghề mới khá hơn hẳn so với làm ruộng trước đây. Nhờ vậy, các gia đình đều có nhà cửa khang trang, điều kiện chăm lo cho con cái học hành tốt hơn” - Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Huy Hoán chia sẻ.

Chuyện “phố làng” từ lâu không còn lạ ở những huyện ven đô của Hà Nội. Đến xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, tuyến đường giao thông vào trụ sở xã được trải nhựa thẳng tắp. Nhà trong thôn đều được đánh số, đường ngõ xóm được đặt tên. Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Lưu Xuân Dũng cho hay, từ năm 1999 đến nay địa phương có khoảng 40 dự án lớn nhỏ đầu tư phát triển khu đô thị, công nghiệp. Nhiều gia đình có đất rộng xây dựng nhà trọ cho thuê, một số lao động có sức khỏe mở cửa hàng kinh doanh buôn bán ở chợ Tứ Hiệp, Văn Điển hoặc làm ngành nghề phụ. Lớp trẻ đi học rồi đi làm nghề khác và hầu hết đã thoát ly khỏi nghề nông. Do vậy, sản xuất nông nghiệp của xã chỉ chiếm 10% trong cơ cấu kinh tế.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, do nằm giáp với nội đô nên Hoài Đức có nhiều lợi thế trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bởi vậy giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chiếm 93%, nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 7%. Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt khoảng 39 triệu đồng/người/năm.

Về cơ bản, đô thị hóa đã làm cho đời sống của nhân dân ngoại thành phát triển hơn, kinh tế được cải thiện rõ rệt, hạ tầng được đầu tư khang trang. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội đạt 36 triệu đồng/người/năm. Ở các xã ven đô, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển thì thu nhập bình quân đầu người cao hơn, đạt từ 40 đến 45 triệu đồng/người/năm.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 5 khu đô thị vệ tinh đã được Chính phủ phê duyệt gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn và Phú Xuyên. Do vậy, quy hoạch tổng thể các xã, huyện nông thôn mới để phát triển trở thành các phường, quận là xu thế tất yếu và cần có những bước đi phù hợp.

Bài toán "hóc búa" từ đô thị hóa

Đô thị hóa đang đặt ra không ít thách thức và cũng là nhân tố thúc đẩy phát triển cho các địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Huy Hoán cho biết, việc gia tăng dân số quá nhanh đang “đè nặng” lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của xã. Hiện số dân của An Khánh khoảng 30.000 người, tăng gấp đôi so với cách đây 4 năm. Dự kiến đến cuối năm nay, dân số của địa phương này sẽ tăng thêm khoảng 10.000 người nữa khi một loạt các khu đô thị hoàn thiện. Dân số đông trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được dẫn tới quá tải về giáo dục, giao thông, cấp thoát nước...

Tương tự, tại xã Tứ Hiệp, người nhập cư về Khu đô thị Tứ Hiệp và khu đấu giá của xã từ năm 2016 đến nay khoảng 3.000 người. Chưa tính, người dân các nơi về xã mua đất, làm nhà và thuê nhà trọ tăng dần qua các năm nâng tổng số dân toàn xã lên 18.000 người. Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Xuân Dũng cho biết, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn (35 cháu/lớp), tuy nhiên, đến nay số học sinh đã lên tới 50 cháu/lớp. Không chỉ quá tải về trường lớp, mà dân số tăng, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp còn khiến cảnh ùn tắc giao thông diễn ra "như cơm bữa". Công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh cũng gặp khó khi thiếu cán bộ.

Thực trạng trên cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương của Hà Nội. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết, một số xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng do đô thị hóa, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví như ở xã Kim Chung, nơi có Khu công nghiệp Thăng Long, hàng chục nghìn lao động đổ về đây làm việc mang theo gia đình, con cái khiến hạ tầng đều quá tải... Rõ nhất là việc thiếu trường học nhưng chưa có hướng giải quyết.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, bài học từ huyện Từ Liêm (cũ) nay trở thành quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm cho thấy, việc xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh đô thị hóa cần được tính toán kỹ. “Dù trở thành phường nhưng nhiều địa bàn hai quận này vẫn còn những tuyến đường giao thông nhỏ hẹp; nhiều tổ dân phố vẫn chưa có nhà văn hóa, nhà hội họp và tỷ lệ người dân làm nông nghiệp khá cao” - ông Cương nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Nguyễn Mai