Nhập siêu từ Hàn Quốc có đáng ngại?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 04/08/2017
Các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc có mặt ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn |
Đón bắt thời cơ tại Việt Nam
Theo các chuyên gia, qua từng năm, Hàn Quốc là đối tác gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Việt Nam, xét cả về đầu tư, kinh doanh và xuất, nhập khẩu. Trong đó, Việt Nam thường xuyên nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng công nghiệp của Hàn Quốc để phục vụ hoạt động sản xuất trong nước. Bản thân Hàn Quốc cũng là quốc gia đã công nghiệp hóa, với thế mạnh nổi trội về ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và được đánh giá là nhà cung cấp thiết bị, máy móc công nghiệp uy tín cho nhiều đối tác khắp thế giới. Hàng hóa Hàn Quốc cũng không quá đắt so với hàng cùng chủng loại nhập khẩu từ Châu Âu hoặc Mỹ.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng tiêu dùng, nhất là ô tô Hàn Quốc đã và đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường Việt Nam. Có thể nói là dù xuất hiện sau nhưng đến nay ô tô Hàn Quốc đang xếp hạng ngang bằng so với ô tô Nhật Bản, dần khẳng định vị thế riêng. Thực tế cũng cho thấy, mức nhập siêu từ Hàn Quốc của Việt Nam đang tăng đều qua các năm; từ mức 6,67 tỷ USD năm 2010 tăng lên hơn 20 tỷ USD năm 2016.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, gồm các đơn vị trong nước cũng như đơn vị có vốn đầu tư của Hàn Quốc, đang tận dụng triệt để quy định thuế suất 0% theo nội dung Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc để tăng mức nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc. Trong đó, một số hãng, tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai... cũng gia tăng nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu, linh kiện; tập trung vào hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu sang nước thứ 3. Nói cách khác, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chủ động đón bắt, tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi tại Việt Nam để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tiếp theo, hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam. Ngay trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp nước này đã đăng ký đầu tư gần 5 tỷ USD vào Việt Nam và điều đó đồng nghĩa với việc chính các dự án mới thành lập này sẽ phải từng bước nhập khẩu dây chuyền sản xuất đồng bộ để triển khai hoạt động. Tất nhiên, thị trường nhập khẩu được họ ưu tiên lựa chọn số một chính là Hàn Quốc. Do đó, việc nhập siêu 16 tỷ USD trong 6 tháng qua cũng dễ hiểu.
Vấn đề là nhập khẩu hàng gì?
Ở chiều ngược lại, dường như các doanh nghiệp Việt còn tỏ ra thiếu chủ động hoặc chưa tận dụng hết cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, bản chất các hiệp định thương mại là tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, nhưng do trình độ phát triển và thực lực sức cạnh tranh của doanh nghiệp mỗi nước khác nhau nên khả năng vận dụng là khác nhau. Mặt khác, cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta chủ yếu là nông, thủy sản, hàng sơ chế, dệt may nên đương nhiên giá trị thu về không cao. Một câu chuyện khác, hàng thủy sản của Việt Nam xuất vào Hàn Quốc cũng đang đối diện với sức cạnh tranh của hơn 10 nước khác (trong đó có Ấn Độ và các nước ASEAN) đã ký Hiệp định Thương mại tự do với nước này.
Có thể nói, hoạt động và kết quả xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chưa đạt như mong muốn. Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay không có mặt hàng chủ lực nào của Việt Nam có mức xuất khẩu tăng mạnh. Tính chung, tốc độ xuất khẩu của doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam tăng hơn 51% nhưng tốc độ xuất khẩu theo chiều ngược lại chỉ tăng 29% trong 6 tháng đầu năm.
Xét về lý thuyết, nhập siêu là một đặc điểm khó tránh khỏi đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và chưa thể sớm khắc phục. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp Việt cần tập trung đầu tư cho công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, qua đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường để từng bước gia tăng kim ngạch xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết. Làm như vậy để hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa hoạt động xuất, nhập khẩu trong khả năng có thể.