Quốc Oai có hướng đi đúng và "trúng" trong xây dựng nông thôn mới
Chính trị - Ngày đăng : 10:44, 04/08/2017
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trang trại tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). |
Đoàn công tác đã kiểm tra sản xuất tại 2 xã Đông Yên và Cấn Hữu. Tại Cấn Hữu, những năm gần đây, nông dân đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại. Đến hết tháng 6-2017, xã đã có 219 trang trại, trong đó có 100 trang trại tổng hợp, 109 trang trại chăn nuôi gà và 10 trang trại chăn nuôi lợn. Các trang trại có quy mô chăn nuôi gia cầm từ 5.000 con đến 4 vạn con/hộ, chủ yếu là nuôi gà đẻ. Hiện xã Cấn Hữu có tổng đàn gà đẻ 60 vạn con, sản lượng trứng đạt 32 vạn quả/ngày. Theo tính toán với các trang trại có kinh phí đầu tư từ 1 tỷ đến 8,5 tỷ đồng, doanh thu mỗi năm đạt từ 2 tỷ đến 16 tỷ đồng/năm; các trang trại có vốn đầu tư từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng, cho doanh thu đạt 1,5 đến 4 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, các trang trại đã có liên kết với nhau trong cung ứng cây, con giống và tiêu thụ sản phẩm.
Tại xã Đông Yên, tận dụng lợi thế đồi gò phù hợp với trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn, cả xã đã chuyển đổi được 163ha từ sắn sang cây trồng vật nuôi giá trị cao. Trong đó, có 46 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô 5.000 con trở lên và 3 trang trại lợn. Xã cũng đã thành lập được Hội chăn nuôi với trên 100 hội viên giúp đỡ nhau về giống, vốn và kỹ thuật chăn nuôi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, Quốc Oai đã đầu tư xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình cao. Đến nay, huyện đã có 16/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Quốc Oai đã quan tâm hỗ trợ nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đã có liên kết. Điều đó cho thấy Quốc Oai đã có hướng đi đúng và trúng chủ trương của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi kiểm tra. |
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình 02 của huyện Quốc Oai. Huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện chương trình này. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã huy động được 1.265 tỷ đồng cho nông thôn mới, trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách là 189 tỷ đồng. Nhiều hộ tiêu biểu như: ông Tạ Quang Hải (xã Sài Sơn) đã ủng hộ 879 triệu đồng để làm sổ tiết kiệm cho hộ nghèo và xây dựng cổng làng; hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Sơn ở (xã Đồng Quang) đã ủng hộ 400 triệu đồng xây dựng cổng làng thôn Yên Nội... Với những kết quả đạt được, huyện Quốc Oai đã có 16/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã còn lại, huyện phấn đấu sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra những hạn chế của huyện như: Sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng chưa cao, chưa bền vững; các chỉ tiêu về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế còn thấp...
Trong 5 tháng cuối năm và các năm tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu huyện Quốc Oai cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chương trình 02 của Thành ủy; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích doanh nghiêp, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch, hướng tới xuất khẩu. Đối với xây dựng nông thôn mới, huyện cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại các tiêu chí ở các xã đã đạt để có hướng duy trì và phát triển; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã chưa đạt để sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới và khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Huyện cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường; giải quyết các điểm “nóng” về an ninh trật tự; giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.