Quy trình cần chặt chẽ
Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 05/08/2017
Dự thảo được các bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao xây dựng, chỉ rõ, tùy tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và khả năng tài chính của bị can, bị cáo mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền bảo đảm để được ra ngoài.
Với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt là 200 triệu đồng. Mức tiền này có thể giảm nếu bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, người dưới 18 tuổi, tâm thần, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi...
Để được đặt tiền bảo đảm, bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu thực hiện không đúng cam đoan ngay lập tức sẽ bị tạm giam. Số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Nếu chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì viện kiểm sát, tòa án có trách nhiệm trả lại số tiền đã đặt…
Theo luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đặt cọc bằng tiền để bảo lãnh tại ngoại là chế định văn minh, phù hợp với xu hướng quốc tế và đã được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Luật đã quy định thì phải có hướng dẫn thi hành chi tiết mới đi vào đời sống. Biện pháp tạm giam sẽ từng bước được hạn chế đến mức thấp nhất, khắc phục được tiêu cực trong việc cho tại ngoại cảm tính, giảm án oan, sai, bức cung, nhục hình.
Khẳng định đây là bước tiến trong cải cách tư pháp, luật gia Lê Quang Vững cho rằng, áp dụng các quy định này sẽ giảm đi trách nhiệm bồi thường oan sai đối với những bị can, bị cáo đã bị khởi tố nhưng sau đó được cho tại ngoại và tuyên không có tội vì không đủ chứng cứ buộc tội.
Dự thảo khá chặt chẽ khi quy định một số tội không áp dụng biện pháp này. Ví dụ các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm về ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… không được đặt tiền bảo đảm, tránh tình trạng quan chức phạm tội nhưng dùng tiền để đổi lấy việc tại ngoại, gây bức xúc trong dư luận.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Vững kiến nghị, với những trường hợp phạm tội không nghiêm trọng, được đặt tiền bảo đảm phải chú ý giai đoạn áp dụng, để việc tại ngoại phải không ảnh hưởng đến quá trình điều tra tránh việc thông cung làm sai lệch hồ sơ vụ án. Luật sư Lê Thiên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đề xuất, dự thảo cũng nên quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, cách thức đặt tiền, các biện pháp quản lý số tiền đã đặt để tránh những hành vi tiêu cực của cán bộ nhà nước, lợi dụng hoặc ép buộc bị can, bị cáo đặt tiền trái quy định của pháp luật để hưởng lợi cá nhân.