Cuộc đua giành vị thế "hậu Brexit"
Thế giới - Ngày đăng : 06:53, 06/08/2017
Thông tin từ Ủy ban Châu Âu (EC) tại Brussels (Bỉ) cho biết, đến đầu tháng 8-2017, đã có 23 nước thành viên của EU chính thức nộp hồ sơ ứng cử làm nơi đặt trụ sở của cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) và 8 nước đăng ký làm trụ sở của cơ quan quản lý Ngân hàng Châu Âu (EBA).
Hậu Brexit, tương lai của EMA và EBA là vấn đề quan trọng đối với EU vì 2 cơ quan này đóng vai trò điều tiết chủ chốt của khối. Hiện EMA và EBA đang được đặt tại London, nhưng sau khi nước Anh quyết định dời bỏ Liên minh, trụ sở của hai cơ quan quản lý quyền lực này sẽ phải dời sang lãnh thổ một quốc gia thành viên của EU.
Theo số liệu của EU, kể từ năm 1995, EMA tại thủ đô London đã tạo việc làm cho gần 900 người và gần 30.000 lượt khách lưu trú tại các khách sạn mỗi năm. Tương tự, EBA (thành lập năm 2011) tạo việc làm cho 190 người và hằng năm có 9.000 lượt khách lưu trú tại các khách sạn. Đến nay, các thành phố ứng cử để đặt trụ sở EMA gồm Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch), Lille (Pháp), Stockholm (Thụy Điển), Barcelona (Tây Ban Nha)... Trong khi đó, các thành phố Frankfurt (Đức), Luxembourg (Luxembourg), Paris (Pháp), Praha (Cộng hòa Séc) đang cạnh tranh để làm nơi đặt trụ sở của EBA. Các thành phố Vienna (Áo), Dublin (Ireland) và Vacsava (Ba Lan) lại hy vọng được đặt trụ sở của cả hai cơ quan này.
Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều thành viên nhỏ trong EU đã lên tiếng lo ngại về khả năng sẽ có các thỏa thuận ngầm giữa các nước lớn trong Liên minh, đặc biệt giữa Đức và Pháp. Giới chức Pháp thẳng thắn đề cập Anh rút khỏi EU như một cơ hội để nước Pháp vươn lên khẳng định mình và đã đề xuất hai thành phố làm ứng cử viên (thành phố Lille ứng cử cho nơi đặt trụ sở EMA, thủ đô Paris ứng cử cho nơi đặt trụ sở EBA). Đức cũng muốn tận dụng cơ hội này để thu hút các doanh nghiệp từ London về phía mình khi đưa thành phố Frankfurt làm ứng cử viên tiếp nhận trụ sở EBA.
Nhằm giảm bớt cạnh tranh cũng như giữ được sự đoàn kết giữa các nước thành viên của khối trong hồ sơ Brexit, cuối tháng 6 vừa qua, EC đã đề ra cách thức tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn các thành phố sẽ là nơi đặt trụ sở mới của hai cơ quan này. Theo đó, EC sẽ tiếp nhận và đánh giá hồ sơ của từng ứng cử viên cho đến cuối tháng 9-2017, dựa trên các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, năng lực kết nối, vị trí địa lý, thị trường lao động và môi trường giáo dục.