Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 07/08/2017
Một trong những lý do quan trọng khiến ngân hàng “lắc đầu” từ chối là vì doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo, hay còn gọi là tài sản thế chấp. Mặc dù nhiều năm gần đây cho vay tín chấp đã được đề cập, song thực tế các ngân hàng vẫn không dám “thả gà ra đuổi” khi tín nhiệm của các chủ thể này chưa khiến họ yên tâm. Khó tiếp cận vốn, thiếu vốn nên nhiều cơ sở không thể đầu tư công nghệ và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây là nút thắt cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước thực tế này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản, yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tín chấp. Theo đó, các tổ chức tín dụng căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm và hoạt động của doanh nghiệp để xem xét cho vay.
Thế nhưng, không phải lúc nào ngân hàng và doanh nghiệp cũng tìm được tiếng nói chung.
Ngày 12-6-2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với nhiều quy định cụ thể về hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này để vừa tồn tại và phát triển, trong đó có quy định về hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng, Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, được kỳ vọng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho chủ thể này trong tiếp cận tín dụng.
Để đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành Công văn 3643/UBND-KT cho ý kiến về việc phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Theo đó, thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng trên địa bàn để đánh giá, nhận diện những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, trên cơ sở đó có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng.
Để gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, việc chỉ đạo, điều hành kịp thời từ phía cơ quan nhà nước là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu chính sách để các ngân hàng thương mại có thể chủ động hơn trong tiếp cận vốn từ các dự án quốc tế, đặc biệt là các dự án hỗ trợ. Điều này sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn khác, thường có lãi suất thấp, thời gian cho vay dài hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.
Để hóa giải khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng cần chọn lọc những đơn vị có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay gắn với đổi mới cơ chế quản lý sao cho thuận lợi hơn, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với đối tượng này. Tiếp đó, cần quan tâm hơn đến cho vay tín chấp thông qua hoạt động của các quỹ, trong đó có quỹ bảo lãnh tín dụng để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay dễ hơn.
Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường liên kết, coi đây là điều kiện để tự lớn lên, khẳng định mình, đồng thời, cần đa dạng hóa các nguồn vốn vay để không quá lệ thuộc vào ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có phương án kinh doanh hiệu quả, có báo cáo tài chính ổn định và minh bạch để các ngân hàng sẵn sàng “gật đầu” cho vay. Với sự vào cuộc, cùng chuyển động của các cơ quan hữu quan cũng như bản thân doanh nghiệp, nút thắt về vốn vay sẽ được tháo gỡ.