Thành tựu kinh tế xã hội của Hải Phòng sau 50 năm giải phóng

Chính trị - Ngày đăng : 08:14, 13/05/2005

Ngay sau khi thực dân Pháp rút khỏi Hải Phòng, quân và dân thành phố đã nhanh chóng bắt tay vào phục hồi phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới. Đến nay, sau 50 năm giải phóng, Hải Phòng đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Ngay sau khi thực dân Pháp rút khỏi Hải Phòng, quân và dân thành phố đã nhanh chóng bắt tay vào phục hồi phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới. Đến nay, sau 50 năm giải phóng, Hải Phòng đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 1955-1975, kinh tế Hải Phòng phát triển nhanh chóng, nếu như năm 1955, thành phố chỉ có 8 nhà máy thì đến năm 1975, đã có trên 100 nhà máy, xí nghiệp, 250 HTX hoạt động. Cảng Hải Phòng mở rộng nâng cao năng lực. Giao thông vận tải phát triển nhanh cả về đường sắt, đường sông - biển và đường bộ. Các nông nghiệp - thủy sản, thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng giành được những kết quả đáng kể, sản lượng lúa từ 1,7 tấn/ha tăng lên gần 5 tấn/ha, khai thác thủy sản đạt trên 15.000 tấn/năm; với tổng vốn đầu tư xây dựng năm 1974 tăng trên 100 lần so với năm 1955, hàng ngàn xí nghiệp, bệnh viện, trường học được xây dựng. Trong giai đoạn này, Hải Phòng đã đánh thắng chiến tranh phá hoại Mỹ hòng phong tỏa cảng, chặn nguồn tiếp nhận và chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1965 đến 1972, Hải Phòng bắn rơi 317 máy bay, trong đó có 5 pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ.

Giai đoạn 1976-1986, thành phố đã có nhiều giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, trong đó có Nghị quyết 24 của Thành ủy về khoán sản phẩm trong nông nghiệp mang lại năng suất và sản lượng lúa cao hơn rất nhiều. Thời kỳ này, công nghiệp Hải Phòng có 104 nhà máy, xí nghiệp, 285 HTX tiểu thủ công nghiệp. Cùng với kim ngạch xuất khẩu tăng 40%/năm, một loạt công trình lớn như cầu, cống, sân bay, bến cảng được xây dựng, thành phố cũng thiết lập đội tàu vận tải biển trọng tải 9.000 tấn. Sự nghiệp giáo dục đạt được những thành tựu đáng kể, thành phố có 26 trường cấp 3, 4 trường đại học và hàng chục trường cao đẳng, trung học, trường dạy nghề.

Giai đoạn từ năm 1986 tới nay, Hải Phòng cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới mở cửa. Từ năm 1986-1990, thành phố xúc tiến sắp xếp lại các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát huy tiềm năng cảng biển, đồng thời đổi mới cơ chế quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Thời kỳ 1991-1995, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế với các chính sách đổi mới, mở cửa, Hải Phòng đã có sức bật mới. Tính đến tháng 12-1995, thành phố có 47 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 840 triệu USD, trong đó có các dự án lớn như xi măng Chinfon, các khu chế xuất, sản xuất thép, du lịch; 6.000 lao động được tạo việc làm; kim ngạch xuất khẩu tăng 2,6 lần so với năm 1990. Giá trị sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân 24,27%, khối lượng hàng qua cảng đạt 4,5 triệu tấn. Chỉ trong 2 năm 1993-1994, có 73 trường học cao tầng được xây dựng, là con số cao nhất trong vòng 40 năm kể từ khi thành phố được giải phóng. Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả rõ nét, 10 vạn lượt người có việc làm, cơ bản không còn hộ đói và giảm đáng kể số hộ nghèo.

Thời kỳ 1996-2000, kinh tế Hải Phòng đã vượt qua suy thoái từng bước phục hồi, trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 8,56%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, cảng biển, thương mại dịch vụ; đầu tư phát triển đạt gần 4.000 tỷ/năm. Công nghiệp Hải Phòng chuyển sang hướng xuất khẩu với kim ngạch đạt 1035 triệu USD, hàng hóa qua cảng tăng lên 7,5 triệu tấn/năm; thành phố có 87 dự án có hiệu lực với số vốn trên 1,3 tỷ USD. Một loạt dự án phát triển hạ tầng quan trọng được triển khai, gần 100% xã có điện lưới, số hộ nghèo giảm xuống còn 5,8%. Chủ trương xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, 96,7% số xã có trường cao tầng; khoa học công nghệ phát triển với gần 120 đề tài, 10 dự án sản xuất thử nghiệm; hệ thống y tế được củng cố với 20 bệnh viện, 216 trạm y tế cơ sở.

Thời kỳ 2000-2004, Hải Phòng có được những vận hội phát triển thuận lợi: Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I (9-5-2003), Bộ Chính trị ra nghị quyết “xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (5-8-2003). Thành phố cũng đề ra các chủ đề Năm cơ chế - 2001, Năm doanh nghiệp - 2002, Năm doanh nghiệp và hội nhập - 2003, Năm kỷ cương hiệu quả - 2004. Tốc độ tăng trưởng GDP từ 9,1% vào năm 2000 đã tăng lên 11,39% vào năm 2004, cao nhất trong vòng 8 năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản phẩm mũi nhọn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Sản lượng hàng qua cảng vượt xa dự báo, đạt 13,7 triệu tấn (quy hoạch đến 2010 chỉ có 8,5 triệu tấn). Kim ngạch xuất khẩu tăng 22,5% thu hút khách du lịch tăng 19,77%. Thu ngân sách đạt 7961 tỷ đồng, thành phố dần đảm bảo cân bằng thu chi. Đây cũng là thời kỳ văn hóa xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, giáo dục Hải Phòng tiếp tục phát triển, giữ vững là một trong những địa phương liên tục dẫn đầu cả nước, thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

HNM

ANHTHU