Phòng chống và truy xét: Điều gì quan trọng hơn?

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 07/08/2017

(HNM) - Trong vài năm trở lại đây, nạn xâm hại trẻ em ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Sự phức tạp đó thể hiện ở mức tăng số vụ xâm hại trẻ em đã được phát hiện, sự tinh vi và tính đa dạng của hành vi...


Vào cuối tháng 7-2017, tại một cuộc hội thảo về tuyên truyền phòng ngừa nạn xâm hại trẻ em, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, báo cáo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã cho thấy điều nói trên. Số liệu được công bố chỉ ra rằng trong 5 năm kể từ 2012, cả nước có hơn 8.000 trẻ là nạn nhân của các vụ xâm hại, trong đó có hàng trăm trẻ dưới 6 tuổi. Còn tính riêng 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận hơn 800 vụ xâm hại trẻ nhỏ. Điều đáng lưu ý, theo cơ quan bảo vệ pháp luật là hầu hết số vụ xâm hại này được phát hiện nhờ sự tố giác của người dân, số vụ được cơ quan chức năng chủ động khám phá chỉ chiếm khoảng 6%.

Cần phải tính đến một yếu tố khác: Số liệu thống kê, tất nhiên, bao gồm những vụ việc cụ thể đã được đưa ra ánh sáng mà ngoài điều đó, chúng ta có quyền nghi ngại về một con số lớn hơn những gì mà báo cáo đã nêu, bởi trong thực tế chắc chắn còn có những vụ xâm hại trẻ em không/chưa được phát hiện.

Căn cứ vào những điều đã được biết, có thể đưa ra nhận xét rằng công tác phòng, chống, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em trong thời gian qua còn có hạn chế nhất định. Sự hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có bốn nguyên nhân quan trọng: Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp quy về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm hoặc định tội không chính xác, không đúng với tính chất và hành vi vi phạm. Thứ hai, xâm hại tình dục trẻ em là loại hành vi phạm tội khó phát hiện, khó bắt quả tang, khó xử lý do chứng cứ yếu - nạn nhân thường nhỏ tuổi nên lời khai có thể không chính xác, thiếu nhất quán; dấu vết trên thân thể của bị hại thường khó phát hiện, khó lưu giữ…

Thứ ba, trở ngại do tâm lý không muốn công khai sự việc của gia đình nạn nhân bởi họ lo rằng con mình bị ảnh hưởng về thanh danh. Thứ tư, tội phạm xâm hại trẻ em là những kẻ quyết tâm che giấu hành vi bởi biết đây là loại tội danh không những dẫn đến hình phạt nghiêm khắc, mà còn khiến chúng “thân bại danh liệt”, bị người đời khinh bỉ và do vậy, trong nhiều trường hợp, thủ đoạn của chúng rất tinh vi, khó lường, khó phát hiện. Bởi vậy, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em cần được thúc đẩy, như đã được nêu trong văn bản chỉ đạo mới nhất - Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 16-5-2017, về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, thực trạng vấn đề cho thấy, dù khó khăn thì việc phòng, chống nạn xâm hại trẻ em vẫn cần phải được đẩy mạnh, nâng lên một tầm khác so với hiện nay. Nhiệm vụ đó dẫn đến yêu cầu về giải pháp khả thi và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Hiểu một cách khác, thực trạng đòi hỏi những chương trình, kế hoạch gần cuộc sống, không cần “đao to búa lớn” mà hướng vào mục tiêu cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm từng phần việc, trước tiên là hướng vào giải quyết những hạn chế cơ bản như đã nói trên. Chúng ta cần bổ sung văn bản pháp quy nhằm "bịt chặt" những lỗ hổng có thể dẫn đến việc để lọt tội phạm hoặc không thể đưa ra phán quyết tương xứng với hành vi.

Việc tuyên truyền cần có sự thay đổi, không chỉ thực hiện thông qua các cơ quan truyền thông, những khẩu hiệu... mà cần được tích hợp với nội dung giáo dục trong nhà trường. Ngay cả người lớn cũng cần được học thêm về bài học trách nhiệm công dân, thể hiện ở chỗ họ cần phải nghĩ xa hơn cho tương lai tốt đẹp của con cháu mình - điều chỉ có được nếu hôm nay mỗi người tự nguyện góp sức loại trừ cái xấu, bằng cách là tố giác tội phạm thay vì im lặng. Công tác xử lý vi phạm giữ vai trò quan trọng, bởi vậy, cần có cơ chế hướng dẫn, kiểm soát phần việc của lực lượng chức năng liên quan, bảo đảm mọi hành vi xâm hại trẻ em đã bị phát hiện sẽ được xử lý nghiêm minh, khách quan, công bằng…

Tuy vậy, nhìn toàn cục, cần nhận thức rõ rằng công tác phòng chống nạn xâm hại trẻ em có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với việc truy bắt tội phạm, xử lý hậu quả. Cách tốt nhất là nâng cao ý thức, khả năng nhận biết hành vi và tác hại lâu dài của nạn xâm hại trẻ em, từ đó hình thành kỹ năng đối phó hiệu quả với loại tội phạm này thay vì bị động trước chúng hoặc thỏa hiệp với chúng. Những biểu hiện xung quanh vụ việc liên quan tới tội phạm ấu dâm của Hồng Quang Minh (nghệ danh Minh Béo) phải nhận án tù ở nước Mỹ cho thấy không thể không quyết liệt với dạng đối tượng này, không thể mất cảnh giác dù chỉ một giây bởi đa số những kẻ phạm tội này giống người nghiện ma túy, khả năng tái nghiện là điều cần tính tới.

Muốn không trở thành nạn nhân thì phải có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ. Đầu năm nay, truyền thông trong nước dẫn một bài học của nước ngoài mà chúng ta có thể tham khảo về cách giáo dục trẻ em, dạy cho chúng bài học cảnh giác, nhận biết mối nguy cơ xung quanh mình. Có nhiều điều có thể rút ra từ đó, quan trọng nhất là việc giáo dục kiến thức về giới tính, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm đối với trẻ cần được thực hiện từ sớm, có lẽ, hợp lý nhất là bắt đầu từ bậc tiểu học, khi trẻ đã biết tò mò với những gì diễn ra quanh mình.

Những bài học đó cần phải đưa vào chương trình chính khóa, chủ yếu dựa trên sự trao đổi giữa người dạy và học sinh về những gì gần với tình huống có thể diễn ra trong đời thực. Trong những tiết học đó, thay vì đưa ra mệnh lệnh thức, những “không được”, “phải thế này, phải thế kia”…, hãy cung cấp cho trẻ bối cảnh thường xuất hiện nguy cơ, giúp chúng biết cảnh giác trước người lạ và kỹ năng tự bảo vệ cũng như tìm kiếm sự trợ giúp. Nội dung giáo dục cần hướng đến mục tiêu là đến cuối bậc trung học cơ sở, học sinh có đủ kiến thức cơ bản về phòng, tránh nguy cơ bị xâm hại, ý thức rõ về quyền trẻ em.

Tóm lại, tốt nhất là tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ luật pháp… có ít việc để làm, tức là tập trung nhiều hơn cho công tác phòng, chống nạn xâm hại trẻ em, tránh sự đã rồi, tránh phải lâm vào cảnh đuổi theo tội phạm. 

Đức Huy