Nhìn rộng, nghĩ sâu!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:20, 08/08/2017
Không riêng gì lần này, câu hỏi thường trực đối với hầu hết chúng ta trước, trong mỗi kỳ tăng viện phí là việc đó có góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; có ảnh hưởng đến những đối tượng khó khăn, diện chính sách?
Có thể nói, các đợt điều chỉnh tăng viện phí đều có mục tiêu, đối tượng nhắm đến riêng. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại hệ thống bệnh viện trực thuộc TP Hà Nội lần này được thực hiện theo Nghị quyết 06/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 và Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế. Đặc biệt, cùng với Hà Nội, thì TP Hồ Chí Minh và hàng chục tỉnh, thành khác trên cả nước cũng bước vào lộ trình này.
Cũng không phải tất cả người dân đều chịu sự điều chỉnh đợt này. Cụ thể, chỉ có 17,6% dân số Hà Nội chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); và người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT... là sẽ phải trả thêm 20 đến 50% mức phí so với trước khi sử dụng các dịch vụ trong danh mục có quy định tăng giá. Mục tiêu đợt điều chỉnh cũng là nhằm hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá giữa khám, chữa bệnh của người không có thẻ BHYT và người có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở khám, chữa bệnh.
Như vậy, nhìn rộng, nghĩ sâu ra thì bên cạnh việc một bộ phận người dân chịu tốn kém trước mắt, đợt điều chỉnh này có tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy người dân nhanh chóng tham gia BHYT để được thụ hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao. Đây vốn là một chủ trương, chính sách lớn, đúng đắn trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, song vì nhiều lý do, trong đó có cả sự bất bình đẳng về giá giữa hai nhóm có BHYT và không có BHYT mà kết quả chưa được như ý.
Cũng như vậy, nhìn rộng, nghĩ sâu ra, việc tăng viện phí khiến người dân có quyền đặt yêu cầu quyết liệt hơn về việc tăng chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Đối với bệnh viện, tăng viện phí, bù đắp cho các chi phí của cơ sở sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập; khuyến khích người thầy thuốc cống hiến nhiều hơn.
Tuy nhiên, như trên đã nói, "tăng giá" đặc biệt là viện phí luôn là vấn đề nhạy cảm với người dân.
Vì vậy, không chỉ trước mà ngay cả khi đã áp dụng điều chỉnh, vẫn rất cần làm tốt khâu tuyên truyền, giải thích, giúp người dân hiểu rõ quyền và lợi ích của mình, từ đó có sự lan tỏa tới cộng đồng, cùng thực hiện chính sách BHYT sớm, tích cực. Ví như có tờ báo đã tổ chức giao lưu trực tuyến “Bảo hiểm y tế xua tan nỗi lo tăng viện phí…”, trong đó rất nhiều câu hỏi thiết thực từ người dân đã được chia sẻ, giải đáp cụ thể, đến cùng…
Bên cạnh đó, thiết nghĩ các ngành chức năng vẫn cần tiếp tục rà soát làm tốt chính sách BHYT với người nghèo, hoặc diện chính sách, không để đối tượng này chịu ảnh hưởng của đợt điều chỉnh; thậm chí tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tổ chức tham gia hỗ trợ, mua, tặng thẻ BHYT cho người gặp khó khăn như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói.
Cuối cùng, các bệnh viện trước đòi hỏi cao từ thực tế, sẽ phải thực sự xác định nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là yếu tố sống còn để người dân vui vẻ, hài lòng sử dụng dịch vụ, chi trả mức phí xứng đáng; thấy rõ lợi ích và tham gia BHYT mạnh mẽ hơn.