Nhiều điểm mới trong quản lý taxi

Giao thông - Ngày đăng : 07:25, 08/08/2017

(HNM) - Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố là UBND thành phố quy định về màu sơn xe, thống nhất thiết kế chung vào năm 2018.

Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong quản lý hoạt động kinh doanh taxi tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hà


Thống nhất màu sơn chung

Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố là UBND thành phố quy định về màu sơn xe, thống nhất thiết kế chung vào năm 2018. Từ năm 2019 đến 2024, xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với toàn bộ xe taxi hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội.

Xe taxi phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được kết nối với dữ liệu phần mềm hỗ trợ điều hành của đơn vị vận tải và kết nối với dữ liệu phần mềm trung tâm quản lý điều hành giao thông để thống nhất quản lý. Đồng thời, phải lắp đặt các thiết bị phụ trợ phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông, như thiết bị trả phí tự động; tìm kiếm điểm đỗ xe thông minh - iParking; kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, đơn vị vận tải, xe taxi và hành khách...

Về tiêu chuẩn khí thải, xe taxi đang hoạt động phải bảo đảm tiêu chuẩn khí thải theo quy định hiện hành. Đối với xe taxi mới phải bảo đảm tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4), từ ngày 1-1-2022 phải bảo đảm tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5); khuyến khích đầu tư xe sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường (CNG, LPG, LNG, sử dụng năng lượng điện,…) và phương tiện có hỗ trợ người khuyết tật. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2020 đơn vị kinh doanh taxi có ít nhất 20% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (năm 2030 là 50%) và tối thiểu 3% phương tiện có hỗ trợ người khuyết tật (năm 2030 là 50%).

Phân vùng hoạt động để quản lý

Nhằm giảm áp lực lên hạ tầng giao thông, Hà Nội sẽ nghiên cứu phân vùng phục vụ của taxi, vùng 1 là các quận nội thành và vùng 2 là các huyện và thị xã. Theo đó, xe taxi hoạt động tại vùng 2 chỉ được trả khách ở vùng 1, không được dừng, chờ đón khách và ngược lại. Trong một tháng, xe taxi phải bảo đảm thời gian hoạt động trong vùng phục vụ đã đăng ký tối thiểu 70%. Đơn vị kinh doanh taxi xây dựng phương án theo vùng phục vụ, gồm các tiêu chí: Vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng, màu sơn, điểm đỗ, điểm dừng đón trả khách, địa điểm giao ca, thời gian giao ca…

Dự thảo cũng quy định, đơn vị kinh doanh taxi phải mở tài khoản điện tử để thực hiện việc trả phí tự động, cũng như nộp phạt khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ; có trách nhiệm kê khai, niêm yết và thực hiện giá cước theo quy định. Các điểm đón, trả khách cho xe taxi được báo hiệu bằng biển báo, vạch sơn kẻ đường. Các phương tiện khác không được dừng đón trả khách tại các điểm này.

Bên cạnh đó, để kiểm soát sự gia tăng phương tiện dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch, hằng năm, Sở GT-VT sẽ rà soát số lượng xe taxi đã được cấp phù hiệu, hết niên hạn sử dụng (8 năm) và chưa được đấu giá quyền khai thác kinh doanh vận tải bằng xe taxi, để làm căn cứ tổng hợp, đề xuất UBND thành phố đấu giá quyền khai thác. Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp tổ chức lựa chọn đấu giá cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi.

Việc lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi được thực hiện công khai, minh bạch. Trong thời gian 180 ngày kể từ ngày công bố kết quả đấu giá quyền khai thác thành công, đơn vị kinh doanh taxi phải hoàn thiện phương án kinh doanh, các điều kiện kinh doanh theo quy định và bố trí đủ số lượng phương tiện taxi mới để đưa vào khai thác. Trên cơ sở kết quả đấu giá, Sở GT-VT tổ chức cấp phù hiệu theo quy định cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Tuấn Lương